360 độ học đường
Hướng đi riêng
Tôi là người con của quê biển Gành Hào - một thị trấn với thế mạnh về đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Gia đình tôi có nhiều thế hệ đã theo nghề ương giống. Những sinh linh bé nhỏ của biển khơi được sinh sôi, nảy nở dưới bàn tay của các kỹ sư thủy sản lành nghề. Thế nhưng, khi nộp hồ sơ tuyển sinh đại học, tôi lại chọn cho mình hướng đi riêng, mà nói theo cách của ba “nghề con chọn chẳng ăn nhập gì với truyền thống của gia đình”!
Tôi sinh ra và lớn lên bên cửa biển Gành Hào, con sóng lúc hiền hòa, khi dữ dội nhưng luôn ấp ôm tôi như lời ru ngọt ngào của mẹ. Hơi thở của biển khơi đã trở thành một phần máu thịt của không chỉ riêng tôi mà tất thảy người dân lam lũ nơi này. Năm tuổi, tôi đã theo chân ông nội và ba đi tìm những con tôm, cua chắc khỏe tận ngoài khơi để về phối giống. Lớn lên chút nữa, tôi đã biết phụ ba đập ốc làm thức ăn cho tôm, cua; rồi vệ sinh bể nuôi, sắp bể lọc nước…
Những hoạt động thường nhật mà nhắm mắt tôi cũng có thể thành thạo làm từng bước một. Chứng kiến sự sinh sôi, nảy nở của những sinh linh nhỏ bé của biển khơi, tôi càng yêu hơn nghề truyền thống của gia đình.
Nhưng tôi lại tìm thấy nguồn vui lớn nhất của đời mình từ những bữa cơm yêu thương do chính tay mẹ nấu. Mỗi bữa ăn là một khúc biến tấu trọn vẹn của sắc - hương - vị. Vẫn những nguyên liệu đậm chất biển khơi, nhưng qua bàn tay mẹ nó lại biến hóa kỳ diệu! Mẹ bảo: “Khi còn trẻ, mẹ đã từng ao ước sẽ trở thành một bếp trưởng lừng danh, để có thể giới thiệu cho mọi người sự ngọt lành, phong phú của sản vật biển quê mình. Thế nhưng, ước mơ kia mãi vẫn không thực hiện được vì gia cảnh ông bà ngoại quá nghèo, lại đông con. Mẹ đành phải nhường lại ước mơ cho các em mình!”. Câu chuyện ước mơ cuộc đời mẹ và những bữa ăn do chính tay mẹ nấu cứ mãi ám ảnh, cuốn hút tôi mãnh liệt. Để rồi một ngày, tôi đã đưa ra quyết định: không trở thành kỹ sư thủy sản nối nghề truyền thống gia đình, mà sẽ giúp mẹ viết tiếp ước mơ còn dang dở…
Ba và ông nội không thèm nhìn mặt tôi suốt một thời gian dài, dù rằng tôi đã tìm mọi cách để chuộc “tội lỗi”. Riêng mẹ vẫn tủm tỉm cười hiền mỗi khi tôi lăn xả vào bếp chế biến những món ăn mới.
Giờ tôi đang là sinh viên năm 2 chuyên ngành Quản lý nhà hàng - Khách sạn (Trường đại học Hutech - TP. HCM). Môi trường học tập mới đã cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị trong ngành học mà mình đã chọn lựa. Ông nội và ba cũng đã cảm thông cho quyết định của tôi. Và họ đang âm thầm dành cho tôi món quà sau ngày tốt nghiệp: một nhà hàng chuyên phục vụ các món thủy hải sản biển tươi sống do tôi làm chủ.
Hoàng Khang
(Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải)
Bạn muốn chia sẻ ước mơ của mình? Hãy gửi bài viết về địa chỉ: Báo Bạc Liêu, số 16, đường Lê Văn Duyệt, Phường 3, TP. Bạc Liêu hoặc email: chaukhanhbaobl@gmail.com. Cuộc thi viết “Ước mơ của tôi” dành cho tất cả thanh thiếu niên trong tỉnh, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 2/4/2016 đến 15/11/2016. Dự kiến công bố kết quả và trao giải vào ngày 20/11/2016. Giải thưởng cao nhất lên đến 2.000.000 đồng. Muốn biết chi tiết về thể lệ cuộc thi, bạn có thể truy cập vào website: www.baobaclieu.vn.
- Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Vĩnh Lợi
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng: Ngành Y tế cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, y đức tốt
- Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng