360 độ học đường
Người thầy của tôi
(Hãy cho tôi được nói lời tri ân cùng cô Trương Thị Liễu!)
Tôi nhớ như in cái thời mới bước vào nghề, tính đến nay cũng ngót 15 năm rồi còn gì! Đó là khoảng thời gian chứa đựng biết bao kỷ niệm của đời tôi. Buồn có, thất vọng có, nhưng đôi lúc tôi cũng tràn đầy niềm hạnh phúc. Bên từng bước đi trong nghề dạy học của tôi, đều có cô bên cạnh.
Bao nhiêu lý tưởng đẹp đẽ về nghề của một thời sinh viên lắm mơ nhiều mộng nhanh chóng rời xa tôi. Tôi hụt hẫng vì học trò quá nghịch ngợm, vì cái nghề quá vất vả và vì bao nhiêu điều… mới mẻ, xa lạ. Cô bước vào cuộc đời tôi bằng tấm lòng của một người thầy, bằng trái tim của một người mẹ. Cô cho tôi hiểu niềm vui của nghề giáo là được đến trường, được gặp gỡ học sinh, được dạy các em những điều mà các em chưa biết, được thấy các em hồn nhiên, vui tươi, trong sáng…
Tôi từng là học sinh của trường và là học trò của cô. Bao năm trôi qua, ấn tượng về cô trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, tôi không còn là cô học trò bé nhỏ của ngày xưa. Tôi là đồng nghiệp của cô. Tôi thấy tự hào về điều đó. Có lẽ, cô không nhớ rõ về tôi, nhưng chưa bao giờ tôi quên cái giọng giảng bài rất đặc biệt của cô. Nó trầm trầm, không lảnh lót, cũng chẳng thiết tha. Đó là một giọng tự sự, đục. Tôi từng cười thầm về bài ca dao mà cô đọc: “Gần nhà mà chẳng sang chơi/ Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu/ Sợ rằng anh chẳng đi cầu/ Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em”. Nhưng khi cô bắt đầu phân tích về những giá trị của nó thì đó lại là những bài học quý giá… Thời ấy, tôi chưa hiểu nhiều về tình yêu, chính cô đã gieo vào lòng tôi những cảm xúc thật diệu kỳ của tình yêu đôi lứa: “Các em ạ! Tình yêu đẹp không phải ở chỗ nó được đáp trả bằng một tình yêu, mà nó đẹp khi con người còn mơ mộng. Bởi khi đó, tình yêu là điều bí ẩn…”. Cái mà cô truyền cho tôi không phải là cái mượt mà của văn chương, cái cô truyền cho tôi là chiều sâu của sự suy tưởng, là ngọn lửa yêu nghề vẫn cháy rực trong trái tim của một con người từng trải. Cô không tài hoa nhưng cô biết vẽ tâm hồn bằng ngôn ngữ, cô biết biến những kiến thức trừu tượng thành những điều thật gần, thật cụ thể. Cô cho tôi cái cảm giác yêu quý cuộc đời bởi những điều đơn giản. Đúng, cô rất giản đơn trong thế giới mênh mông, nhiều bí ấn.
Thế rồi, cũng tại ngôi trường này, tôi lại được nghe cô giảng. Cái giọng tự sự ngày xưa vẫn còn đó, nhưng tóc cô đã bạc đi nhiều. Cô cũng cười, nhưng nụ cười không tươi tắn như ngày xưa nữa. Có lẽ đời nhà giáo đã để lại dấu ấn quá rõ nét trong cô. Vất vả! Tôi đã có lần khóc vì bài phát biểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của cô. Giọng cô càng lúc càng trở nên đục hơn và hình như cô khóc. Cô khóc vì lẽ đời không đơn giản, cô khóc vì trái tim cô quá tha thiết với cuộc đời… Lúc ấy, tôi muốn ôm cô để nói rằng: “Cô ơi, con hiểu…”.
Bây giờ cô đã về hưu, cái giây phút chúng tôi không mong đợi cũng đã đến. Nhưng tôi biết rồi đây chúng tôi sẽ lại tiếp tục tìm đến cô, vì thiếu cô, cái tổ Ngữ văn của chúng tôi như những con chim non rời xa mẹ. Khoảng trời phía trước mênh mông…
Với tôi, cô mãi là người thầy đầu tiên trong đời nhà giáo của mình.
Phương Thảo
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông