360 độ học đường
Những ngày đầu đứng lớp
Thời gian trôi nhanh thật. Thấm thoắt đã gần 20 năm kể từ ngày tôi bước chân vào nghề giáo. Dạy tiểu học - làm nghề “gõ đầu trẻ” như mọi người thường ví, tôi đã có biết bao chuyện buồn vui. Trong vô số kỷ niệm ấy thì những ngày đầu đứng lớp với tôi là những tháng ngày không thể nào quên.
Ảnh minh họa: B.T
Ngày đó, trước những đôi mắt trong sáng, gương mặt ngây thơ của học sinh là hình ảnh một cô giáo mới ngoài 20 tuổi với vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt toát lên sự háo hức, xen lẫn chút bồn chồn, lo lắng. Nếu như ngày ấy, thầy hiệu trưởng không đưa tôi vào lớp, truyền thêm sức mạnh tinh thần cho tôi thì có lẽ, tôi đã không thể vượt qua những bỡ ngỡ, áp lực đầu tiên trong nghề.
Những ngày sau đó, khó khăn càng chồng chất, vì học trò tôi dạy hầu hết đều là học sinh cá biệt. Mới 8 - 9 tuổi đầu, nhiều em tỏ ra lười học, phá phách, nghịch ngợm, trêu chọc cả bạn bè và thầy cô. Rồi những bài giảng, mỗi trang giáo án Toán, Tiếng Việt… với tôi lúc ấy đều là những “gò”, “đồi” mà mình cần phải vượt qua. Có đêm thức đến tận khuya soạn giáo án, tôi dồn hết niềm đam mê, tâm huyết vào từng câu chữ, nhưng kết quả khi lên lớp là cô giảng bài mặc cô, trò cứ nói chuyện riêng. Đáng buồn hơn, mỗi tiết dự giờ của tôi, các em cứ im phăng phắc - một sự im lặng đáng sợ trái với ngày thường bởi tôi biết những câu hỏi mà mình đặt ra, nhiều em đã có câu trả lời nhưng lại vờ như không hiểu để rồi những giờ dạy của tôi đều bị đánh giá không đạt. Những lúc như vậy, nhiệt huyết của một cô giáo trẻ trong tôi dần vơi đi, tôi thấy đuối sức, muốn buông xuôi tất cả. Tôi quay mặt vào vách tường để giấu đi những giọt nước mắt cay đắng, giận hờn, chán nản…
Nhưng có một học trò đã bắt gặp những giọt nước mắt buồn tủi đó của tôi. Em chính là lớp trưởng, cũng là học sinh nghịch ngợm có tiếng trong lớp. Em đã đứng lên và thay mặt cả lớp xin lỗi tôi. Tôi nghẹn ngào hỏi lý do tại sao các em lại hành động như vậy. Và tôi bất ngờ khi em cho biết, các em làm vậy vì sợ sự ân cần dạy dỗ, thương yêu của tôi sẽ thay thế vị trí cô giáo chủ nhiệm cũ trong lòng các em. Nghe câu trả lời ấy, tôi vỡ oà trong niềm vui sướng và cảm thấy thương học trò của mình nhiều hơn.
Kể từ lúc ấy, lớp tôi không còn học sinh cá biệt nữa. Các em đã chăm học, ngoan ngoãn hơn rất nhiều vì cô trò đã hiểu nhau. Những trang giáo án cũng không làm tôi chùn chân nữa, vì bên tôi đã có các em là nguồn động lực để tôi phấn đấu, cống hiến. Và dù cho thời gian đã làm cho câu chuyện ấy lùi xa, nhưng với tôi, nó như vừa mới xảy ra hôm qua.
VÕ KIM OANH
(Trường tiểu học Yên Khánh, huyện Hòa Bình)
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu.
- HĐND huyện Phước Long tổ chức kỳ họp thứ 15
- Họp báo giới thiệu Giải bóng đá vô địch sân 7 các CLB miền Tây năm 2025
- Tăng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên 45% trong năm 2025
- Sở Nội vụ Bạc Liêu nhận Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích tiêu biểu, xuất sắc