360 độ học đường

Nỗi lo... học sinh bỏ học

Thứ Hai, 11/12/2017 | 16:34

Tôi là giáo viên đang dạy tại một trường THCS và THPT của một huyện vùng xa. Gần như cuộc họp hội đồng nào nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp báo cáo sĩ số và nhắc nhở sự cần thiết của việc không để học sinh bỏ học - điều đó cho thấy tình trạng học sinh bỏ học luôn là nỗi lo canh cánh.

 Ảnh minh họa: B.T

Ngay từ đầu năm học này, trường đã có danh sách những học sinh có nguy cơ bỏ học và phân công giáo viên “đỡ đầu”. Bằng cách này hay cách khác, không để học sinh bỏ học giữa chừng, đây được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của giáo viên. Có làm mới biết, gian nan lắm với việc vận động học sinh ra lớp. Thường thì ở trường tôi, chỉ cần học sinh nghỉ 2 ngày không phép là giáo viên sẽ tìm cách liên hệ với gia đình liền. Cố gắng là vậy, nhưng có nhiều trường hợp vận động thành công và cũng có những trường hợp giáo viên đành…. “bó gối”.

Tôi từng lội bộ mấy cây số vào tận rẫy, thuyết phục phụ huynh, vận động một học sinh đang học lớp 6 quay trở lại trường. Đến nhà mới biết, học trò nghèo quá, không có phương tiện đến trường nên bỏ học. Ngay sau đó, tôi vận động được xe đạp cho em đến trường. Vui mừng thay, em ấy tiến bộ rất nhiều sau khi nhận được sự giúp đỡ.

Nhưng tiếc thay, không phải lúc nào công tác vận động cũng có kết quả tốt như thế. Học sinh bỏ học giữa chừng thường có những lý do rất “chính đáng”. Có em nghịch phá, vi phạm kỷ luật rồi tuyên bố không muốn học nữa. Có trường hợp đi học “bữa đực bữa cái” vì phụ lo kinh tế gia đình. Có trường hợp đang học rồi yêu đương, có “sự cố” nên nghỉ học lấy chồng. Tiếc nhất là những trường hợp cha mẹ có điều kiện, sẵn sàng cho con ăn học tới nơi tới chốn nhưng con cái nhất quyết không chịu học...

Xung quanh chuyện vận động học sinh ra lớp cũng có nhiều vấn đề để ngẫm nghĩ lắm. Thật buồn vì tới bây giờ mà vẫn còn khá nhiều phụ huynh chưa đánh giá được tầm quan trọng của việc học. Cái kiểu khi học sinh bỏ học, giáo viên tới nhà vận động thì phụ huynh ra điều kiện hay đưa ra những lý do vô cùng chính đáng để “ủng hộ” chuyện bỏ học của con. Như trường hợp của một học sinh thuộc diện thi lại nhưng không tham gia phụ đạo trong hè, không tham gia thi lại. Đầu năm không ra lớp thì giáo viên tới nhà vận động. Phụ huynh bảo “thầy cô cho lên lớp thì nó học, còn ở lại lớp thì nghỉ chứ học chi”. Cái lý lẽ này thì giáo viên thiệt không biết phải vận động ra sao! Rồi trường hợp một học sinh nhà rất nghèo, nhà trường và xã hội đã hỗ trợ xe đạp, sách vở, áo quần, giày dép… Tất tần tật những khoản đóng góp ở trường của em đều được giáo viên nhận “đỡ đầu” đóng góp. Nhưng đầu năm học này em lại không đến lớp. Tới nhà vận động thì phụ huynh bảo “phải có người giữ em thì nó mới đi học được”. Cái lý do này thì tôi thật không biết phải giúp đỡ em thế nào?

Tôi chỉ kể ra đây một số chuyện “bi hài” quanh việc vận động học sinh ra lớp để mọi người hiểu và thông cảm cho giáo viên. Chẳng có thầy cô nào muốn học trò của mình bỏ ngang việc học, nhưng nhiều khi chúng tôi cũng “lực bất tòng tâm”!

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.