An toàn giao thông
Bất an qua… cầu treo
Với địa hình sông nước khá dày đặc nên việc bắc cầu treo để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong tỉnh là một giải pháp hữu hiệu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau thời gian dài đưa vào sử dụng, hiện nhiều cây cầu treo đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng và trở thành nỗi lo của người tham gia giao thông.
Bề mặt cầu Kinh Tế Mới trơn trượt, độ ma sát kém
là nguyên nhân khiến nhiều xe máy trượt ngã. Ảnh: T.H
Đã nhiều tháng nay, việc qua lại hàng ngày trên chiếc cầu Kinh Tế Mới bắc ngang kênh 30/4 (TP. Bạc Liêu) trở thành nỗi ám ảnh của chị Tố Nga. Ngoài nhu cầu bất đắc dĩ là mỗi ngày phải hai lượt đi - về để đến công sở, tuyệt nhiên chị không dám qua chiếc cầu này thêm lần nào nữa. Nguyên nhân là do bề mặt cầu khá hẹp, nếu hai chiếc xe máy đi ngược chiều phải chen nhau mới qua được, đường dẫn lên xuống hai bên cầu lại dốc, gặp lúc trời mưa thì trơn trượt...
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước đây mặt cầu treo bắc qua kênh 30/4 được thảm một lớp đá mỏng để tạo ma sát, tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng, phần đá này đã bị bong tróc hết, để lộ nền sắt phía dưới. Khi trời mưa, độ ma sát kém, đây là nguyên nhân khiến người qua lại hay bị trượt ngã rất nguy hiểm.
Cùng thực trạng với những cầu treo đã đưa vào sử dụng thời gian dài, cầu treo Trà Kha B ở phường 8 (TP. Bạc Liêu), cầu treo Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình), cầu treo ngã tư Ninh Quới (huyện Hồng Dân) cũng khiến người tham gia giao thông qua lại trong sự bất an bởi độ rung lắc, chòng chành và trơn trượt. Anh Trọng Nguyễn (một người dân thường qua lại trên cầu sắt Ninh Quới) cho biết: “Việc qua lại trên những chiếc cầu treo chòng chành ngang sông quả là thách thức đối với những người tay lái yếu, đặc biệt là phụ nữ chở theo con nhỏ, học sinh. Sự bất an càng tăng khi cầu đến giai đoạn xuống cấp, hư hỏng. Như cây cầu treo Ninh Quới chẳng hạn, mặt cầu giờ lồi lõm như “ổ gà”, ngay cả những người qua lại hàng ngày thuộc làu đường vẫn té như chơi. Ngành chức năng cần quan tâm, sớm khắc phục sửa chữa để bà con yên tâm qua lại”.
Được biết vào năm 2007, nhà tài trợ người Thụy Sĩ đã giúp xây dựng 5 cây cầu treo ở tỉnh (trong đó có các cây cầu nói trên), cầu được thiết kế cho xe máy qua lại an toàn, nhằm giải quyết tình trạng thiếu an toàn ở các bến đò ngang. Trước tình trạng nhiều cây cầu treo trên địa bàn xuống cấp, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được chú trọng, không đảm bảo an toàn giao thông, đến năm 2014, Sở GT-VT lập đoàn kiểm tra và yêu cầu UBND các huyện, thành phố quản lý cầu treo căn cứ vào những hư hỏng không đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cầu đối với từng cây cầu của địa phương để lập phương án sửa chữa. Nguồn kinh phí sẽ đề nghị từ Quỹ bảo trì đường bộ. Cùng với việc sửa chữa cầu, các địa phương phải tổ chức lập quy trình bảo trì theo các quy định hiện hành. Đồng thời, có kế hoạch bảo trì hàng năm nhằm duy trì khả năng khai thác và kéo dài tuổi thọ của cầu treo; kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện qua lại trên cầu, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường bộ cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
Tuy nhiên theo thời gian, cùng với sự tác động của thời tiết, việc các xe ba gác thường xuyên chở hàng hóa qua lại cũng là nguyên nhân khiến cầu nhanh xuống cấp. Thiết nghĩ, các giải pháp trên cần được chính quyền các địa phương nơi có cầu treo quan tâm, duy trì thường xuyên nhằm kịp thời quản lý, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Mai Đinh
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác
- Hơn 90 cán bộ Đoàn, Hội được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ năm 2025
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao ban công tác quý 1/2025
- Mở 3 lớp tập huấn cho cán bộ Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh