An toàn giao thông
Chủ động bảo đảm an toàn giao thông khi có tình huống thiên tai
Bảo vệ an toàn tính mạng người dân luôn là mục tiêu hàng đầu trong công tác phòng, chống thiên tai, bao gồm công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) khi có tình huống thiên tai. Trước tình trạng thiên tai diễn biến bất thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản trong thời gian gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; chủ động các giải pháp bảo đảm ATGT khi có thiên tai.
Người tham gia giao thông gặp khó trong mùa mưa bão.
Triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp
Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm hơn 100 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân. Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước. Bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sạt lở, sụt lún… Chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê kè đang thi công dở dang...
Đặc biệt, đối với Bộ trưởng Bộ GT-VT, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương chủ động triển khai công tác bảo đảm ATGT, kể cả trên biển, trên sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không khi có tình huống thiên tai. Đồng thời, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, nhất là trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính… để bảo đảm an toàn tính mạng con người là trên hết, trước hết.
Cần rà soát, quản lý hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: T.H
Rà soát hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường
Vừa qua, trên địa bàn huyện Đông Hải, TP. Bạc Liêu đã xảy ra các vụ cây xanh bật gốc, đổ ngã… gây thiệt hại đến kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT cho người và phương tiện lưu thông. Để chủ động phòng tránh các sự cố mất an toàn có thể xảy ra tiếp theo, đồng thời bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cũng như bảo đảm vấn đề ATGT, Sở GT-VT tỉnh đã đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường được giao quản lý.
Trong đó, UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đơn vị quản lý cây xanh tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh do địa phương trồng dọc theo các tuyến đường bộ và đường thủy nội địa trên địa bàn. Kịp thời phát hiện để cắt nhánh, tỉa cành, đốn hạ các cây xanh có khả năng trở thành nguy cơ gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, làm mất ATGT, gây nguy hiểm cho người đi đường. Song song đó, cần có phương án bố trí nhân lực, phương tiện đảm bảo hoạt động hiệu quả, trong trường hợp cấp thiết sẵn sàng ứng cứu người dân, xử lý kịp thời các sự cố liên quan đến cây xanh, giữ cho giao thông thông suốt, an toàn.
Đoạn Quản lý đường bộ và đường sông tăng cường tuần đường, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý để phát hiện các dấu hiệu bất thường có nguy cơ gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và ATGT. Trong đó, lưu ý đến các cây xanh có dấu hiệu gây mất an toàn để xử lý kịp thời. Thanh tra Sở GT-VT tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để phát hiện các dấu hiệu bất thường có nguy cơ gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và ATGT. Phối hợp chặt chẽ với Đoạn Quản lý đường bộ và đường sông, cũng như các địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm cho mọi người dân cùng phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn.
Mai Đinh
- Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh: Chú trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp
- Các hoạt động hướng về Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Mồ mả bị Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ, bồi thường ra sao?
- Đổi mới công tác khen thưởng: Coi trọng các tập thể, người lao động có thành tích xuất sắc