An toàn giao thông
Một số quy định mới về lĩnh vực giao thông có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
Từ ngày 1/1/2025, sẽ có 10 văn bản quan trọng về lĩnh vực giao thông có hiệu lực thi hành. Theo đó, có một số quy định mới đáng chú ý mà người tham gia giao thông cần phải biết.
Lực lượng chức năng ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ảnh: T.H
28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm
Các văn bản quan trọng về lĩnh vực giao thông có hiệu lực thi hành, áp dụng từ ngày 1/1/2025 bao gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; Luật Đường bộ số 35/2024/QH15; Thông tư 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT); Thông tư 51/2024/TT-BGTVT của Bộ GT-VT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; Thông tư 38/2024/TT-BGTVT của Bộ GT-VT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ; Thông tư 36/2024/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; Thông tư 65/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ để được phục hồi điểm Giấy phép lái xe (GPLX); Thông tư 34/2024/TT-BGTVT của Bộ GT-VT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ; Thông tư 72/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT; Quyết định 19/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Đáng chú ý, Luật TTATGT đường bộ 2024 quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Các hành vi này gồm: điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có GPLX theo quy định của pháp luật; điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có GPLX hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng. Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Ngoài ra còn có đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, giúp sức, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục. Cố ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe, động cơ của xe đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định. Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Các quy định mới về GPLX
Cũng theo Luật TTATGT đường bộ, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm. Mỗi lần lái xe vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy thuộc vào tính chất và mức độ. Điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. Trường hợp bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại GPLX đó.
Sau ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX chưa bị trừ hết điểm sẽ được hồi phục đủ 12 điểm nếu không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng GPLX, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ GPLX của người vi phạm.
Còn theo Thông tư số 35/2024 do Bộ trưởng GT-VT ban hành về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; cấp, sử dụng GPLX quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trường hợp GPLX quá hạn dù chỉ 1 ngày thì người có bằng lái quá hạn phải thi lại lý thuyết để được cấp bằng. Quá hạn từ 1 năm trở lên phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp GPLX.
Ngoài các quy định mới về GPLX, thời gian lái xe của tài xế cũng được sửa đổi theo luật mới áp dụng từ ngày 1/1. Theo đó, nếu so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì Luật TTATGT đường bộ 2024 bổ sung thêm thời gian làm việc trong một tuần của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Cụ thể, thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động. Tài xế lái xe quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng. Đối với chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng.
Mai Đinh
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu