An toàn giao thông

Toàn dân góp sức giữ gìn an toàn giao thông

Thứ Tư, 16/10/2024 | 16:22

>> Bài 1: Sức lan tỏa từ những mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Bài 2: Cho những cung đường thêm dài rộng - an toàn

Không như truyền thuyết về Nữ Oa đội đá vá trời, những câu chuyện về người Bạc Liêu là rất thật, gần gũi với đời sống thường ngày. Bằng tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn, chung sức đồng lòng kiến thiết quê hương đổi mới, những người dân từ đồng đất đến thị thành đã góp phần làm cho những con đường, tuyến phố, chiếc cầu thêm dài rộng hơn ra.

Anh Phạm Văn Khải đổ đá “vá” đường.

NHỮNG NGƯỜI ĐỔ ĐÁ VÁ ĐƯỜNG VÌ CỘNG ĐỒNG

Chúng tôi gặp anh Phạm Hoàng Khải (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) khi anh đang “vá” một “ổ gà” trên tuyến Bạc Liêu - Hưng Thành, đây cũng là “ổ gà” anh Khải vừa phát hiện khi đi làm thuê về. Trong tầm 15 phút, bàn tay chai sần của anh đã “là” phẳng mặt đường, tránh cho người dân qua lại bị té ngã. Phạm Hoàng Khải chính là người thợ hồ duy nhất của tỉnh từng nhiều lần được tuyên dương về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thâm niên hàng chục năm làm nghề thợ xây, cuộc sống chưa mấy đủ đầy, nhưng mỗi khi có chút tiền trong túi, anh Khải lại không ngại “móc hầu bao” để mua… cát, đá, xi-măng rồi dang nắng đội từng xô đá, trộn từng vữa hồ để lấp “ổ gà”, “ổ voi” trên các tuyến đường quê. Công việc ấy được tiếp diễn hơn 10 năm ròng, bởi trong tâm anh không muốn thấy cảnh người dân đi lại trong nỗi lo mất an toàn.

“Anh Khải vốn tính nhân hậu, tâm luôn hướng thiện và sẵn có tay nghề,  nhiều năm qua đã miệt mài sửa chữa nhiều công trình giao thông trong khả năng, bằng chính thù lao do mình vất vả kiếm được. Thấy việc làm hào sảng của anh, nhiều người đã góp tiền để anh tiếp nối công việc có ích cho cộng đồng”, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bình - Trương Văn Hổ cho biết.

Trong khi đó, anh thợ hồ Phạm Văn Khải thì tâm niệm: “Có thể học theo Bác làm những việc có ích cho mọi người và nhìn thấy những con đường thông thoáng, bằng phẳng, cô bác đi xe được an toàn là tôi hạnh phúc rồi!”.

Ở những cung đường bình yên trên địa bàn tỉnh, còn có bóng dáng của chú Phan Văn Lượm (TP. Bạc Liêu) - một người mua ve chai với sáng chế dàn nam châm hút đinh giúp người đi đường tránh khỏi tai nạn bất ngờ vì thủng lốp xe. Hay ở các tuyến phố, sau đợt triều cường làm mặt đường bong tróc, người ta lại thấy hình ảnh người đàn ông còm cõi Triệu Cảo Thành - người “công nhân” vá đường thiện nguyện cũng như còn nhiều người khác nữa. Mặc dù, có những người không phải dân Bạc Liêu, nhưng thời gian buôn bán, mưu sinh ở nơi này cũng đã trở thành những người chuyên trị “ổ gà”. Cứ như thế, những bàn tay cần cù mang trái tim nóng ấm đã giúp nhiều lổ thủng trên các tuyến đường được lành lặn kịp thời, tránh tình trạng hỏng hóc nặng thêm gây lãng phí tiền của Nhà nước và tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn cho người đi đường.

Cầu treo ở huyện Hồng Dân được xây dựng từ mô hình cán bộ, đảng viên tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng. Ảnh: T.H

GÓP 1.000 ĐỒNG XÂY NHỮNG CÔNG TRÌNH TIỀN TỶ

Trong nhiều năm trở lại đây, huyện Hồng Dân đã xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu, đường ngoài vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, có nhiều công trình do chính cán bộ, đảng viên của huyện tiết kiệm nên. Bằng tờ tiền mệnh giá thấp nhất - 1.000 đồng, mỗi ngày một tờ, cán bộ, đảng viên huyện Hồng Dân đã “góp gió thành bão”, tạo thành một nguồn quỹ giúp địa phương xây dựng các công trình giao thông nông thôn, dân sinh thiết yếu phục vụ người dân với trị giá hàng tỷ đồng. Mô hình này không chỉ giúp thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, chuyển từ còn phân vân sang tự giác học tập và làm theo gương Bác, mà còn là việc làm ý nghĩa trong đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông ở vùng quê từng được xem là vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh. Đồng thời, mang lại lợi ích rất thật, người thụ hưởng không ai khác chính là bà con nhân dân - khi những con đường nối liền ấp - xã, những cây cầu nối đôi bờ vui cứ thi nhau thành hình. Trong đó, có những cây cầu nông thôn trị giá 500 - 700 triệu đồng. Ngoài ra, huyện Hồng Dân cũng đã huy động được lực lượng cán bộ, đảng viên, người dân cùng với các đội làm cầu từ thiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhiều công trình, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp người dân, đặc biệt là các em học sinh đi lại thuận tiện, an toàn.

Năm 1997 - năm đầu Bạc Liêu được chia tách ra từ tỉnh Minh Hải, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, giao thông cách trở, nhất là đồng bào thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Tổng chiều dài đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường giao thông nông thôn khi đó chỉ có 161km đường kiên cố các loại. Tỉnh chưa có mặt đường bê-tông nhựa, kể cả đường đô thị. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó, hiện nay hạ tầng giao thông thay da đổi thịt nhanh chóng. Ngoài hàng trăm ki-lô-mét đường Quốc lộ do Trung ương quản lý đi qua địa bàn, các tuyến đường trên toàn tỉnh có tổng chiều dài 4.000km; tỉnh hiện đã có cao tốc đi ngang. Giao thông đô thị tạo ra bộ mặt mới; các tuyến giao thông liên huyện, liên xã và trục xóm - ấp không ngừng dài rộng thêm ra, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những phong trào thi đua và đột phá trong xây dựng, phát triển giao thông nông thôn.

Có được khối “tài sản” khổng lồ ấy, cùng với nguồn kinh phí công thì sức dân, nguồn lực từ Nhân dân góp vào không hề ít. Bạc Liêu hoàn toàn có thể tự hào rằng, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong tăng tốc xây dựng hạ tầng giao thông, tỉnh luôn có được sự đồng thuận, ủng hộ chí nghĩa chí tình của Nhân dân bằng việc hiến đất, góp tiền, góp ngày công lao động. Thậm chí có những tuyến đường, các hộ dân đã tự nguyện hiến 100% đất, mong chờ làng quê sớm khoác lên mình chiếc áo mới khang trang. Có những lão nông, dù chưa dám mua chiếc áo mới vài trăm ngàn đồng, lại sẵn lòng hiến vài ngàn mét vuông đất bao đời truyền nối của gia đình (trị giá tiền tỷ) để chung sức cùng Nhà nước. Như ông Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Ngởi ở huyện Phước Long; Phan Minh To, Đặng Văn Tuốt ở huyện Hồng Dân… Ba lần hiến đất cho địa phương làm cầu, đường nông thôn, ông Phan Minh To bộc bạch: “Tôi sẵn lòng góp những gì trong khả năng của mình để chung sức cùng bà con trong tỉnh và các cấp chính quyền đưa quê hương phát triển, cho giao thông kết nối liên hoàn, người người đi lại thênh thang”.

Không dừng lại ở việc hiến đất, gia đình người nông dân này còn hăng hái góp ngày công lao động, thậm chí vận động các hộ trong xóm cùng làm. Nghĩa cử đẹp của ông Phan Minh To và những nhân vật được nhắc ở trong bài viết này đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó có nhiều tấm gương được vinh danh, nhắc nhớ.

Thanh Hải

Phó ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Nguyễn Huy Dũng (bên phải) gặp gỡ cảm ơn người dân ngỏ ý muốn hiến đất làm đường.

Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, xác định 3 trục liên kết để phát triển đồng bộ. Trong đó, sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến hiện hữu đạt tối thiểu tiêu chuẩn cấp IV, quy mô 2 làn xe. Sau năm 2030, tất cả các tuyến đường tỉnh đạt cấp III đồng bằng. Các tuyến đường huyện được “cứng hóa” 100%, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V đồng bằng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.