Bạc Liêu tình đất - tình người
Bạc Liêu tình đất, tình người
Bạc Liêu vừa tưng bừng tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây không chỉ là sự tri ân và tôn vinh cho riêng người nhạc sĩ tài hoa sinh ra ở miệt sông Tiền (Long An) phiêu dạt về miền Hậu Giang - Bạc Liêu dừng chân neo đậu một kiếp đời để sản sinh ra một bản Dạ cổ... đến bất hủ. Đây còn là sự tôn vinh cho cả giới văn nghệ sĩ, cho ngành Sân khấu cải lương. Thế mới biết người Bạc Liêu hiền hòa, mộc mạc mà nặng nợ ân tình như người đời vẫn nói.
Nói về Bạc Liêu, nhiều nhà xã hội học có chung cảm nhận: Bạc Liêu là xứ sở của những con người hào phóng, bạt mạng nhưng nhân hậu, trọng nghĩa trọng tình, có trước có sau, rạch ròi, cương trực: “Ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” như tính khí chung của người Nam bộ; không cần khách sáo, ban ơn, không cần trả nghĩa, vô tư như chuyện phải làm. Có lẽ nhờ cái tính khí ấy mà Bạc Liêu vẫn “giữ mình”, tồn tại và đứng vững đến ngày nay...
Tuổi thơ. Ảnh: QM |
Thử quay ngược thời gian của một trăm năm của nhiều trăm năm về trước để thấu hiểu, sẻ chia cùng lưu dân sông nước đa bản địa, đa thành phần quy tụ về đây lưu trú, khẩn hoang, khai thiên lập địa ngay cái xứ sở: “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, đang từng phút, từng giờ chực chờ, đe dọa. Nếu thiếu đi cái tính khí bạt mạng, ngang tàng và sự gắn kết thì làm sao họ có thể chống chọi với thiên nhiên để mà tồn tại và lập ấp, xây làng?... Và rồi cũng ngay trên cái xứ sở khắc nghiệt đến vô cùng đó, họ lại nhận ra: Ẩn trong sự khắc nghiệt ấy là một vùng “đất lành” - vùng đất của những con người sẵn lòng hào phóng, cưu mang cho những mảnh đời tha phương cầu thực, tứ cố vô thân. Chính sự hào phóng của con người và thiên nhiên đã níu kéo, mời gọi ngày một nhiều hơn những dòng lưu dân đổ về đây tìm kế sinh nhai. Có người nói rằng người bản địa Bạc Liêu cho đến bây giờ chỉ chiếm một phần ba, số còn lại ở khắp các vùng miền từ Đàng Trong, Đàng Ngoài, ở đâu cũng có. Dù giờ đây họ là “người Bạc Liêu”, nhưng gốc gác ở tận đâu đâu - ngay cả con cháu họ vẫn không hiểu nổi. Một trong những dòng lưu dân tiêu biểu ấy đến từ Tiền Giang. Họ không thuộc nhóm “người xưa lưu dấu, in hình thuở mang gươm...” nhưng họ là tốp người lập thành phường, hội, bầu bạn cùng nhau phiêu bạt đến đất này tìm chén cơm, manh áo thuộc vào hàng đông nhất. Không biết độ chính xác đến đâu, nhưng giờ đây trên đất Bạc Liêu (tính theo địa giới hành chính cũ có cả Cà Mau, Sóc Trăng) thì người Tiền Giang ở đâu cũng có. Trong số ấy có nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu như đã nói. Cũng ngay cái xứ sở mộc mạc, hiền hòa này, ông đã cho ra đời một bản “tình ca” da diết, bi ai, se sắt đến nao lòng. Xin không bình phẩm giá trị nghệ thuật của bài ca “vua”. Chỉ xin đặt câu hỏi vì sao người nhạc sĩ tài hoa có được sự thăng hoa cảm hứng đó. Một phần không thể không nhắc đến là được bắt đầu từ mối tình thâm đầy ngang trái, chưa thoát ra cái vòng luẩn quẩn của lễ giáo phong kiến với người vợ yêu quý của mình (người con gái Bạc Liêu) thì chắc không có lý giải nào đúng hơn là tình đất, tình người Bạc Liêu! Chỉ có đất và người mới tạo cho nhạc sĩ sự tột hứng đến độc đáo và độc nhất ấy?...
Phải chăng cũng chính tình đất, tình người Bạc Liêu mà một thời còn lôi cuốn, mời gọi cả dòng người Triều Châu từ phương Bắc xa xôi gồng gánh “chảy” về phương Nam sinh cơ, lập nghiệp để rồi Bạc Liêu được lựa chọn làm quê hương thứ hai của mỗi đời người. Dòng chảy ấy có một thời đông đến nỗi người ta đã làm một so sánh ngộ nghĩnh: “... Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu!”. Sự quy tụ đông đúc này chắc hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, vì người Triều Châu vốn được coi là cẩn trọng. Vậy thì họ thấy điều gì ở cái xứ... quê mùa Bạc Liêu - Nếu đó không phải là “đất lành”. Nếu ở đó không có sự rộng mở vòng tay, sự bao dung của người bản địa. Thiếu những điều trên chắc gì người Triều Châu đã an cư - lạc nghiệp đến tận bây giờ? Người ta ước tính, cứ 100 người Triều Châu ở Bạc Liêu ngày nay thì có đến 101 người ăn nên, làm ra. Và trong số “đại gia” của Bạc Liêu, có sự góp mặt không ít của người Triều Châu hay ít ra cũng có quan hệ “dính líu” đến... Triều Châu!
Nhưng cái điều lý thú hơn cả là giờ đây ở Bạc Liêu rất hiếm có gia đình “Triều Châu thứ thiệt”, mà không ít thì nhiều dòng máu Việt, Khmer đã hòa quyện trong mỗi gia đình, tự nhiên tự lúc nào đến nỗi không ai còn để ý... Điều đó có được, giữ được chắc cũng không gì khác hơn là nhờ cái tình của người bản xứ. Chỉ có tình đời, tình người và tình yêu mới có thể hòa quyện, gắn bó chung sống suốt đời bên nhau, cùng nhau sinh con, đẻ cái...
Đất lành Bạc Liêu không chỉ cưu mang cho riêng người tha phương cầu thực, tìm kế sinh nhai; Vượt lên trên đó là tình yêu non nước, yêu Đảng, yêu Cách mạng, là sự đùm bọc, chở che cho những nhà cách mạng. Bạc Liêu được xem là một trong những cái nôi cách mạng miền Tây. Cũng chính tình đất, tình người Bạc Liêu mà Tỉnh ủy, Liên Tỉnh ủy, rồi Khu ủy đã chọn nơi đây làm căn cứ trong 2 cuộc chiến tranh. Những căn cứ Làng Rừng - Cà Mau, Cái Chanh - Bạc Liêu, Mỹ Phước - Sóc Trăng (theo địa giới Bạc Liêu cũ) đã gắn liền với những tên tuổi của những nhà cách mạng lớn: Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Lê Phước Thọ, Vũ Đình Liệu, Lâm Văn Thê... Và cũng nhờ sự đùm bọc, chở che của đất và người Bạc Liêu đã góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng thần thánh 30/4/1975, đưa giang sơn nối liền một dải...
Vâng! cũng chính cái tình đó, mà với riêng mình, người Bạc Liêu vẫn luôn dè dặt, suy xét khi đứng trước một quyết định – dù là quyết định số phận đối với kẻ thù: Hai lần cướp Chính quyền không một tiếng súng, không một giọt máu rơi đã chứng minh cho sự dè dặt rất... nhân từ đó! Có người cho rằng, sự kiện hai lần cướp Chính quyền không đổ máu là “nhờ” vào cái tính “biện chứng khách quan” của phong trào cách mạng đã lên đến đỉnh điểm sụp đổ tất yếu của kẻ thù. Điều đó hoàn toàn không sai. Nhưng thử nghĩ, nếu không có sự dè dặt, chọn lựa, không có lòng nhân từ, đắn đo tìm mọi phương kế để đạt được yêu cầu cách mạng mà vẫn nhẹ nhàng, trọn vẹn, thì liệu sự kiện hai lần cướp Chính quyền chắc gì không đổ máu? Và đổ máu trong trường hợp cụ thể này vẫn rất... “biện chứng” đó thôi!? Nhưng người Bạc Liêu không làm thế mà táo bạo chọn phương kế khác và đã rất thành công và cũng rất... nhân từ!.
Ai đó đã nói rằng: “Vùng đất hiền hòa, sản sinh ra lòng nhân hậu”. Tôi rất tâm đắc câu nói này và lục tìm xem có gì tương đồng với vùng đất Bạc Liêu. Tìm xem cái xứ sở này có điều gì mà người tha hương vẫn luôn vời vợi bao nỗi nhớ. Và tôi cũng nhận ra rằng, nỗi nhớ người tha hương mênh mang không định sẵn, nó tựa như: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”! Đôi khi là bến nước, con đò, một nụ cười duyên với má lún đồng tiền bất chợt đâu đó, một cánh cò bay lả trong... ca dao, cũng đủ để người ta bâng khuâng, xao động. Nói gì đến nơi ta từng sinh ra, lớn lên, từng tắm mát suốt một thời tuổi thơ trên con sông quê mình. Bạc Liêu xưa nay vẫn thế, vẫn bình dị, hiền hòa theo thời gian. Vẫn những đồng lúa xanh bời bời; những dòng sông chằng chịt, đan xen như lòng bàn tay. Vẫn còn đó hình ảnh con đò, xuồng ba lá, nón lá chao nghiêng của cô thôn nữ – một hình ảnh thân quen, một thứ phương tiện giao thông đặc sắc từ thời mở đất. Và mỗi nhánh sông hiền hòa vẫn luôn ẩn chứa những tầng nấc văn hóa sông nước cho riêng mình. Con sông Bạc Liêu – con đường huyết mạch nối suốt chiều dài phương Nam vẫn uốn lượn như chiếc thắt lưng xanh quấn quanh eo lưng tròn trịa của cô thôn nữ, e ấp, thẹn thùng mà cái “đáy thắt lưng ong” bó đúng vào thị xã Bạc Liêu – thị xã tỉnh lỵ sắp thành thành phố mà vẫn giữ cái nét duyên ngầm chân quê của miền phù sa châu thổ - như ý của một nhà thơ không chuyên nào đó! Cái chất hiền hòa bình dị ấy làm sao người tha hương không vương vấn, nhớ về. Sự vương vấn đâu đòi hỏi điều gì to tát, cao xa, đôi khi chỉ là những điều rất nhỏ, thoảng qua. Một tô bún mắm bốc khói ấm nồng trong một chiều mưa, một nồi canh chua cơm mẻ, cá rô đồng nấu với bông so đũa. Một mùi hương dân dã của khói đốt đồng của cá lóc nướng trui qua bàn tay chai sần, pha chút lãng tử của người dân sông nước...
Không dừng lại ở đó, Bạc Liêu còn có những chiến tích nhân văn, nhân bản trở thành dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người. Đó là những Đồng Nọc Nạng lẫy lừng tên tuổi anh em Mười Chức - một khí phách quật cường của người nông dân Nam bộ chống áp bức, bất công. Có Chủ Chọt – thủ lĩnh tự phát người Khmer Nam bộ tập hợp dân làng, xây thành, cát cứ đánh Tây, Mã Tà, thách thức ngoại bang cướp nước. Có Đền thờ Bác Hồ sừng sững, hiên ngang suốt một thời bom đạn, để cán bộ nhân dân giữ Bác trong tim và giữ lửa trái tim mình...
Nhớ về Bạc Liêu là nhớ đến cái nôi vọng cổ, nhớ đến những giọt đàn “rơi” trong thanh vắng, mùi mẫn đến thắt lòng. Nhớ đến những tên tuổi lớn: Nguyệt Chiếu, Nhạc Khị, Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Ba Chột, Bảy Cao... những bậc anh tài góp công khai xướng, giữ gìn, phát triển loại hình đờn ca tài tử rất độc đáo Nam bộ và rất... Bạc Liêu!
Nói về nghệ thuật ở Bạc Liêu vẫn còn một nhánh khác (âm nhạc) với những tên tuổi không kém phần đồ sộ. Đó là những nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí – một giáo dân ở làng Vĩnh Mỹ gắn liền với tác phẩm “Tiểu đoàn 307” dựa theo thơ của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, đã một thời thúc giục bao người lính trẻ bất chấp hiểm nguy, tiến về cái đích cuối cùng: Chiến thắng và chiến thắng! Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương với tiếng hát “vang dội núi sông” trở thành hào khí kéo “trùng trùng đoàn quân tiến theo Người như thác đổ”. Chính ông, nghe đâu vẫn còn nợ một cuộc tình với cô thôn nữ Bạc Liêu, cho đến cuối đời mình vẫn chưa trả được. Ở đó còn có nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển một thời trai trẻ gắn bó với Bạc Liêu, say đắm lén nhìn “trăng Gành Hào tròn như chiếc gương”, để bây giờ khi “tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng” – vầng trăng của cô gái miền biển rắn rỏi, mặn mà! Và còn biết bao những chàng trai trẻ thầm yêu, trộm nhớ những đóa hoa đồng nội Bạc Liêu, có người thổ lộ, có người giấu kín mang theo suốt cuộc đời mình... Thì ra, vùng đất “quê mùa” này có nhiều điều để thương, để nhớ quá. Đâu như một số người vẫn nghĩ: Nhớ Bạc Liêu là nhớ đến giai thoại Công tử khét tiếng ăn chơi, ngạo nghễ đến... ngông cuồng! Ở đó còn có bao lớp người trẻ tuổi vẫn miệt mài dâng hiến sức trẻ cho quê hương. Vẫn ngày đêm lặng lẽ bên ánh đèn “sôi kinh, nấu sử”, tích góp tri thức, nung nấu lòng mình để làm một cái gì đó cho quê hương. Có thể nói thời nào, ở đâu cũng có những người con đau đáu nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn...
Nhưng có điều vẫn luôn day dứt trong lòng mỗi người: Vì sao xứ sở hiền hòa, đầy ắp tình người, tình đất, xứ sở “Công tử Bạc Liêu” vẫn chưa thoát khỏi một tỉnh nghèo. Người dân hiền lành, chất phác chưa được nở mày, nở mặt... Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, khi Hội đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu họp mặt tại thành phố Hồ Chí Minh, các cô, các chú đồng hương hết hỏi han điều này đến điều khác về hai tỉnh anh em song sinh vừa mới tách. Nào là đời sống của bà con; việc học hành của con em ra sao; đường sá đi lại có thuận tiện?... Khi được trả lời: bà con mình còn nghèo, nghèo lắm – nhất là những vùng nông thôn, có người cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm... Thế là các cô, các chú như bị chùn xuống, nước mắt lăn dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng... Và nhiều năm sau, những câu hỏi ấy vẫn được lặp lại. Hơn ai hết, dù xa quê nhưng các chú, các cô vẫn canh cánh nỗi lòng... Vì sao xứ sở của bài “Dạ cổ hoài lang” danh giá, xứ sở của muối Ba Thắc vang bóng một thời, xứ sở của những đồng lúa mênh mông, cá tôm đầy ắp, xứ sở của những con người cần cù, siêng năng, nhân hậu... vẫn chưa thoát khỏi phận nghèo?... Câu hỏi tưởng chừng như giản đơn ấy đã làm bao lớp người “cầm cân, nẩy mực”, nắm giữ vận mệnh Bạc Liêu thêm ray rứt. Vì sao? Do tiềm năng? Không! Do nhân lực? Cũng không phải. Hay do cơ chế? Hình như... vẫn có điều gì chưa thông! Vậy thì vì sao Bạc Liêu vẫn còn đó quê nghèo!?...
Tôi - người viết mấy dòng này đã không ít lần thử đi tìm câu lý giải, nhưng lý giải thế nào cho đúng cốt lõi, trọng tâm của vấn đề, tự mình, tôi vẫn không thỏa mãn. Tôi càng cảm thông, chia sẻ cho sự lo toan, trăn trở của những người “chèo lái con thuyền” nhiều hơn... Nhưng tôi có niềm tin. Tôi tin Bạc Liêu đã tự biết mình (ông bà vẫn nói: biết mình, biết ta, trăm trận trăm thắng). Tin vào sự toàn tâm, đồng thuận của người Bạc Liêu. Tin vào sự năng động vốn có, được tích lũy suốt một thời chiến tranh, một thời mở đất. Và tin vào sức trẻ hôm nay... Rồi đây hai chữ “quê nghèo” một ngày không xa sẽ được hóa giải.
Tháng 12/2009
NGUYỄN DUY HOÀNG
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con