Bạc Liêu tình đất - tình người

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Thứ Sáu, 06/09/2024 | 16:03

Theo Kế hoạch 121, ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL được giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch. Theo đó, tỉnh thực hiện xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS tại chùa Soryaram (huyện Vĩnh Lợi), đình Tân Hưng (TP. Bạc Liêu) và chùa Sarey Pothi Mengkol (huyện Hòa Bình).

Dự án hướng đến khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Đối tượng của Dự án là các xã, ấp thuộc vùng đồng bào DTTS, đồng bào DTTS, nghệ nhân người DTTS, cán bộ, công chức thực hiện công tác dân tộc; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra còn có bản sắc văn hóa, di sản của các DTTS; văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào DTTS; lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS.

Nguồn vốn được phân bổ để thực hiện trong năm 2024 xấp xỉ 7,2 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển gần 3 tỷ đồng.

Với gần 3 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, chủ đầu tư Dự án sẽ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS tại chùa Soryaram (chùa Cái Giá giữa, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), đình Tân Hưng (đường Hoàng Văn Thụ, khóm 3, Phường 3, TP. Bạc Liêu), chùa Sarey Pothi Mengkol (chùa Hòa Bình cũ, Quốc lộ 1A, TT. Hòa Bình, huyện Hòa Bình); cải tạo nhà văn hóa ấp, khóm thuộc các xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Từ cơ sở của Dự án, Báo Bạc Liêu giới thiệu đến bạn đọc về 3 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào DTTS được tỉnh chọn xây dựng điểm du lịch cộng đồng nêu trên:

Chùa Soryaram thuộc hệ phái Nam tông, được xây dựng năm 1937. Chùa gồm chánh điện, phước xá (sala), tăng xá, nhiều tháp và 30 tượng làm bằng nhiều chất liệu, 1 bia đá,… nằm trong tổng thể kiến trúc kim - cổ với diện tích 26.000m2, tọa lạc theo hướng Đông. Kiến trúc có dạng hình chữ nhật, để lộ ra 2 hàng cột theo chiều dài, trên các cột đính các chim thần (Krut) và tiên nữ (Têpronom) dang 2 tay đỡ vì kèo và mái nhà. Mái chánh điện lợp ngói có dạng khối tam giác, gồm 3 mái chồng lên nhau, trên đỉnh mái có đính hình tượng ngôi tháp thu nhỏ và các mái giả hình tam giác quay về 4 hướng. Vách nhà trang trí các bức tranh về lịch sử Phật Thích Ca. Có tượng Phật Thích Ca.

Đắp núi cát tại chùa Soryaram dịp vào năm mới Chôl-chnăm-thmây.

 

Đình Tân Hưng có diện tích bảo vệ 1.200m2, trong đó diện tích kiến trúc gần 560m2. Từ buổi đầu khẩn hoang lập làng tại Bạc Liêu, nhân dân địa phương đã dựng nên ngôi đình bằng tre lá để thờ vị Thành hoàng bổn cảnh. Đình rất linh “hữu cầu tất ứng”. Ngày 8/1/1853, đình Tân Hưng được sắc phong thần của vua Tự Đức.

Khoảng cuối năm 1852, dân làng khởi công xây dựng đình kiên cố, khang trang hơn, thể hiện sự uy nghi của lối kiến trúc đình làng Nam Bộ (kiến trúc chánh điện theo kiểu tứ trụ và phía trước chánh điện nối tiếp với nhà võ ca, phía sau từ chánh điện là hậu đình).

Đến nay, sau 172 năm thành lập, tuy đã nhiều lần sửa chữa lớn nhỏ, nhưng đình Tân Hưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.

Ngày 1/4/2014, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - Hoàng Tuấn Anh ban hành Quyết định 963 xếp hạng đình Tân Hưng là di tích quốc gia. Đến ngày 26/3/2024, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - Nguyễn Văn Hùng cấp lại Bảng xếp hạng di tích quốc gia đình Tân Hưng.

Di tích quốc gia đình Tân Hưng (Phường 3, TP. Bạc Liêu).

 

Chùa Sarey Pothi Mengkol được ông Mau (Tà Mau) chủ trì xây dựng năm 1556, trên diện tích 55.966m2.

Chùa được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Khmer: có các cột bao quanh hành lang, trên đầu cột có các tượng thần garuda (Krut); 2 tay hoặc 2 cánh đỡ mái chùa là tiên nữ Kâyno và chim thần Maha Krut được đúc bằng xi-măng độc đáo. Mái chùa lợp bằng ngói Tây, mái có 3 cấp, mỗi cấp chia thành 3 nếp, mái trên dốc 600, cấp giữa mái thoải hơn tạo cho mái chùa vẻ thanh thoát, hài hòa. Nội thất chùa lòng rộng, có cột chịu lực tạo cho không gian nội thất cao thoáng.

Hình vẽ trang trí bề ngoài đa dạng, như: hình rồng, tiên nữ, chim thần,… đặc biệt là hình con rắn nhiều đầu của nghệ thuật điêu khắc Khmer, cây cỏ, cây hoa sen linh thiêng của đạo Bà la môn.

Cổng chùa Sarey Pothi Mengkol (chùa Hòa Bình cũ) đang được xây dựng mới.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.