Bạc Liêu tình đất - tình người
Món quà nhỏ
Từ khi chập chững bước vào nghề viết lách đến nay, tôi may mắn được quen biết với nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau. Mới đây, tôi nhận được lời nhắn của một độc giả đặc biệt: “Tranh thủ ghé nhà chú, có việc cần gặp”. Và khi gặp ông, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA)Võ An Khánh, tôi đã nhận được một món quà bất ngờ…
Chiến tranh đi qua, nỗi đau còn đó. Ảnh: NSNA Võ An Khánh |
Cầm trên tay một phong bì khá nặng mà NSNA Võ An Khánh trao, tôi run run vì xúc động trước dòng chữ được viết nắn nót: “Kỷ niệm nhỏ cho cháu T.”. Tuy chưa xem qua, nhưng tôi đã có thể đoán được món quà ấy là gì, mà chỉ lấy làm lạ là tại sao ông lại bất ngờ tặng quà cho tôi. Trong phong bì là một xấp ảnh được chọn từ những bức ảnh mà NSNA Võ An Khánh đã kỳ công chụp được, có tác phẩm đã thành hình hơn 40 năm trước, cũng có bức ông mới chụp; cho nên xấp ảnh có gần như đa dạng các chủ đề mà ông đã gói ghém để trao tay cho tôi…
Tôi lật từng tác phẩm ảnh nghệ thuật. Đầu tiên là bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” được ông chú thích chụp vào tháng 9/1970, ghi lại hình ảnh một ê-kíp quân y cứu bộ đội bị thương trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của hoàn cảnh chiến tranh; kế đến là tác phẩm “Chiến tranh đi qua, nỗi đau còn đó” (xem ảnh); rất nhiều bức ảnh ghi lại những thời khắc oai hùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ; hay những bức ảnh chụp về danh lam thắng cảnh của đất nước, từ vẻ đẹp hoang sơ của cô thôn nữ nơi miền rừng núi đến nét đẹp thanh bình của một buổi sớm miền quê sông nước; thời sự hơn, có cả bức ảnh ông mới chụp Hoa hậu Việt Nam 2012 - Đặng Thu Thảo...
Những bức ảnh chụp trong thời chiến của NSNA Võ An Khánh như những trang sử viết bằng hình ảnh thật vô giá. Qua những tác phẩm vượt thời gian ấy, thế hệ sau này như tôi mới có thể hình dung được những gian nan, khó nhọc và những hy sinh, mất mát của cuộc chiến tranh khốc liệt, máu lửa mà dân tộc ta đã nếm trải. Tôi thầm thán phục ông, bởi phải say mê nghề, có yêu nghề mãnh liệt thì người nghệ sĩ mới có thể “lăn xả” để có những tác phẩm xứng đáng gọi là tuyệt tác. Càng thán phục hơn nếu mọi người biết rằng một NSNA có tên tuổi và nhiều cống hiến như ông vốn xuất thân từ một cậu bé con nhà nghèo, sống bằng nghề đặt ống trúm lươn. Ông đến với nghề nhiếp ảnh như một cơ duyên trời định, ban đầu chỉ là một người học nghề thí công, rồi một anh thợ chụp ảnh dạo. Năm 1959, ông tham gia kháng chiến và bắt đầu nhiệm vụ của người chiến sĩ - NSNA bằng tấm lòng yêu nước hòa với lòng yêu nghề. Đến bây giờ ngồi nhẩm lại, ông đã được phong tặng rất nhiều phần thưởng, tước hiệu quý giá, đó là NSNA Xuất sắc Việt Nam (E.VAPA), NSNA có cống hiến đặc biệt xuất sắc (ES.VAPA), thành viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP, giải thưởng Nhà nước năm 2007, giải thưởng VHNT Cao Văn Lầu lần thứ I - năm 2009 của tỉnh Bạc Liêu…
… “Chú tặng T. để làm tư liệu nghề nghiệp thôi. Biết đâu sau này khi cháu cần những bức ảnh ấy phục vụ cho nghề mà không gặp chú… Khi ấy, cháu cứ lấy ra mà sử dụng...”. Tôi nghe mà cứ như một lời trối trăn tâm huyết khi nhìn thấy những nếp nhăn trên khóe mắt người nghệ sĩ già. Nhìn quanh khắp gian phòng của ông, tôi thầm thán phục tác phong làm việc hết sức khoa học của một người nghệ sĩ. Ông phân ra từng loại ảnh, chú thích rõ ràng, rồi kỳ công dán ảnh lên những tấm bìa cứng, hỏi tới chủ đề nào thì ông chỉ ngay ngăn tủ ấy. Hàng chục ngàn bức ảnh là thành quả của bao giọt mồ hôi, công sức, trí óc lao động miệt mài, không mệt mỏi của người nghệ sĩ tài ba vang danh khắp cả nước, một số tác phẩm của ông còn nổi tiếng cả thế giới…
Càng khâm phục kho tư liệu quý giá của ông bao nhiêu thì tôi càng thấy tiếc bấy nhiêu nếu những “đứa con tinh thần” ấy chỉ được lưu giữ cẩn thận trong ngăn tủ. Nhiều tác phẩm của NSNA Võ An Khánh đã được trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước, từ triển lãm ảnh cá nhân đến các đợt triển lãm ảnh nhiều tác giả phục vụ cho các ngày lễ lớn... Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, với phạm vi như thế vẫn chưa phát huy hết giá trị của những tác phẩm ảnh nghệ thuật của người NSNA tên tuổi này. Khi chưa được nhiều đối tượng thưởng thức, nhất là lớp trẻ hôm nay thì đó xem như là một sự lãng phí những tư liệu quý giá của VHNT tỉnh nhà, cụ thể là những tác phẩm ảnh nghệ thuật vượt thời gian và có giá trị vĩnh cửu của NSNA Võ An Khánh. Những đợt triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật vào mỗi dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước chỉ gói gọn trong vài ba ngày, trong một phạm vi hẹp, thì những tác phẩm ảnh tuyệt tác như thế sẽ không phục vụ rộng rãi cho công chúng. Nên chăng các trường học cần có kế hoạch tổ chức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa việc học sử bằng cách xem ảnh tư liệu nghệ thuật; qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật với nhiều góc nhìn sinh động, các em không chỉ được học sử một cách dễ “thuộc”, dễ thẩm thấu mà còn được giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung qua lăng kính của những nghệ sĩ đầy tâm huyết như NSNA Võ An Khánh.
“Chút kỷ niệm nhỏ”, món quà nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn của NSNA Võ An Khánh đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ!
Cẩm Thúy
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con