Bạc Liêu tình đất - tình người

Những kỷ vật thời chiến

Thứ Hai, 30/04/2012 | 13:51

Do có một thời gian hoạt động cách mạng ở xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân), nên nơi đây vẫn còn lưu giữ một số kỷ vật liên quan đến cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Việc khẩn trương sưu tầm, phục chế, bảo tồn các kỷ vật này thiết nghĩ là việc làm cần kíp để giáo dục truyền thống cách mạng và lưu truyền cho hậu thế…

Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Út Lâm, ông Năm Dình là những người còn lưu giữ những kỷ vật của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ trụ sở UBND xã Ninh Thạnh Lợi, chúng tôi hướng thẳng về ấp Cây Cui, nơi có khu căn cứ Tỉnh ủy. Từ bên này kênh, nhìn qua rặng dừa nước, một không khí xây dựng khẩn trương: 1 chiếc xà lan đang bơm cát, hàng chục công nhân lom khom trộn hồ, chuyển gạch… Đó là công trình xây dựng nhà trưng bày của khu căn cứ Tỉnh ủy (khu căn cứ Cái Chanh), được khởi công xây dựng từ tháng 10/2011 với diện tích hơn 250m2. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó ban Quản lý dự án (trực thuộc Sở VH-TT&DL), cho biết: “Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng đã chỉ đạo một số hạng mục công trình phải hoàn thành vào giữa tháng 10/2012 để Văn phòng Tỉnh ủy về nguồn tại di tích này”. Song song với công tác xây dựng là công tác sưu tầm, phục chế hiện vật. “Hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận khu căn cứ Tỉnh ủy là di tích lịch sử cấp quốc gia được đánh giá cao và khả quan” - lãnh đạo Bảo tàng tỉnh cho hay. Chúng tôi thấy phấn khởi vì liên tiếp có những tin vui liên quan đến khu căn cứ.

Ông Nguyễn Văn Dình đang giữ “hầm trú ẩn” của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Bộ ván ở nhà ông Nguyễn Ngọc Lâm - kỷ vật một thời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồi bàn việc nước.
Ảnh: N.Q

Nằm cặp công trường xây dựng nhà trưng bày khu căn cứ Cái Chanh là nhà ông Nguyễn Văn Hẳng. Ông Hẳng kể: “Từ đây (khu căn cứ Cái Chanh - PV), bác Võ Văn Kiệt đi xuống U Minh (Cà Mau), về Ba Đình (huyện Hồng Dân) hoài. Sau năm 1975, Tỉnh ủy rút đi, giao cho gia đình tôi giữ 1.000 giạ lúa và nhiều vật dụng khác, trong đó có những vật dụng gắn với bác Kiệt như bàn nạo dừa, đòn gánh nước, cái lu làm hầm trú ẩn”.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Lâm. Ông Lâm là con của bác Nguyễn Tài Biển (thường gọi Tư Biển) - nguyên Đội trưởng Đội Bảo vệ vùng căn cứ Cây Cui giai đoạn 1959 - 1962. Bác Tư Biển đã mất cách đây 10 năm. Ông Út Lâm giới thiệu trong nhà còn giữ 1 cái bàn tròn bằng gỗ tràm U Minh - ngày trước bác Lê Duẩn thường ngồi làm việc và bộ ván 3 tấm bằng cây săn đá có từ năm 1945 - bác Lê Duẩn và bác Võ Văn Kiệt từng nghỉ ngơi, ngồi bàn việc nước.

Song, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ ấp Cây Cui lại cho rằng thông tin ông Lâm cung cấp là chưa chính xác hết. Ở nhà ông Nghĩa cũng có một bộ ván mà “ông Lê Duẩn và bà Tám Huệ - vợ ông Lê Duẩn từng nghỉ ngơi trong giai đoạn 1951 - 1952”. Ông Nghĩa trưng ra một bức thư viết tay năm 1985 của ông Lê Hồng Lĩnh, thư ký của bác Lê Duẩn thời đó, gửi cho bà Tư Anh - bà nội của ông. Trong bức thư này có đoạn: “Anh Ba Duẩn bây giờ đã 78 tuổi, già quá không trở lại gặp bà con cám ơn được”. Lá thư ấy, gia đình ông Nghĩa quý vô cùng, và là bằng chứng xác thực bác Lê Duẩn từng ở nhà của ông nội ông. Ông Nguyễn Văn Trung, cha của ông Nghĩa, ngấp nghé tuổi 70 kể lại: “Ông Duẩn lựa nhà cán bộ, nhà “mồ côi”, tức nhà không có nhà liền kề, để ở. Ban đêm các tổ bảo vệ thay nhau canh gác. Sau 3 tiếng đồng hồ lại thay ca”. Chính xác là bác Lê Duẩn từng nghỉ ở nhà ai: Tư Biển hay Tư Anh? Chúng tôi mong rằng các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ bảo tàng sẽ sớm xác minh vấn đề này.

Ngoài các kỷ vật trên, chúng tôi còn được biết thêm thông tin về hầm trú ẩn của bác Lê Duẩn đang được ông Nguyễn Văn Dình (Năm Dình) ở ấp Ngô Kim giữ. “Ông Ba Duẩn đem cái hủ lô về làm hầm trú ẩn. Nó to như bồ lúa, chứa khoảng 40 đôi nước, ghe 100 giạ mới chở nổi”. Sau đó, ông Năm Dình mượn về chứa nước. Ông Năm Dình kể thêm: “Cái hầm này ông Ba Duẩn và ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) đều dùng. Những năm 1960, ông Kiệt thường từ cứ ra nhà tôi gặp các tướng lĩnh và chủ nhà. Ông mặc đồ đen, ngắn tay, mang giày tới đầu gối. Dáng ông Kiệt cao ráo, phong độ”. Thời điểm đó, ông Năm Dình chỉ biết “cán bộ thượng cấp” thi thoảng có về đây. Sau này xem tivi mới biết người mặc đồ đen năm xưa là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Vùng đất Ninh Thạnh Lợi là nơi đặt căn cứ của Tỉnh ủy và một số cơ quan thuộc Khu ủy Tây Nam bộ. Những kỷ vật thời chiến nơi đây cần được khẩn trương sưu tầm, phục chế, bảo tồn để giáo dục truyền thống cách mạng và lưu truyền cho hậu thế.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.