BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Hiểu đúng về việc sáp nhập bộ máy hành chính
Chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính của Đảng được xem là cuộc cách mạng trong toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp, từ đó dẫn đến những lý giải thiếu căn cứ.
Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Internet
Không hình thành cấp huyện thu nhỏ
Tại hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa bế mạc vào ngày 12/4, Trung ương đã thống nhất cao chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các tờ trình và đề án. Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Phát biểu bế mạc tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Như vậy, cấp huyện - vốn là cấp trung gian trong mô hình hành chính hiện tại, sẽ được bãi bỏ. Theo các chuyên gia, việc tinh gọn này nhằm giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu lực điều hành, và tạo điều kiện cho phân quyền rõ ràng, triệt để, thực chất. Trước đó, tại Kết luận 137 về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ban hành ngày 28/3/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã khẳng định nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính cấp xã là “không hình thành cấp huyện thu nhỏ”. Điều này đã bác bỏ suy nghĩ của không ít người là thay vì chỉ có vài huyện thì sau sáp nhập đã tăng lên hàng chục khi cấp xã mới “như huyện thu nhỏ”. Trên thực tế, tổng số đơn vị hành chính các cấp đã giảm hơn 50%, cấp trung gian không còn thì bộ máy hành chính cũng nhỏ gọn và tinh hơn rất nhiều.
………………............................................................................................................................................................................................................
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng ý chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện; xác lập hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp.
………………............................................................................................................................................................................................................
Không ai bị bỏ lại phía sau
“Bảo đảm chính quyền địa phương cấp cơ sở thật sự gần dân, sát dân”, với nguyên tắc này, Kết luận 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng cho biết chính quyền cấp xã sau khi được sắp xếp sẽ có HĐND, UBND với các phòng, ban giúp việc. Về biên chế, trước mắt sẽ giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã hiện có trước sắp xếp. Trong thời hạn 5 năm sẽ thực hiện rà soát, tinh giản biên chế theo đúng quy định. Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng sẽ được xem xét, sắp xếp tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố. Với những người không bố trí công tác cũng sẽ được thực hiện chế độ, chính sách phù hợp. Rõ ràng, trong việc sắp xếp bộ máy, sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Với những người không đảm bảo về trình độ, năng lực, yêu cầu nhiệm vụ cũng sẽ có lộ trình tinh giản cùng chính sách thích hợp. Điều này đã giải tỏa nỗi lo lắng của nhiều cán bộ, công chức, viên chức khi có rất nhiều thông tin không chính thống về việc giảm biên chế sau sáp nhập.
Và không chỉ băn khoăn về bỏ cấp huyện và thu gọn cấp xã, xung quanh việc sáp nhập tỉnh cũng có nhiều tin đồn và thông tin không chính thống khiến người dân hiểu sai. Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập được công bố kèm theo đã làm sáng tỏ những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Ngoài những địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia hay sở hữu các yếu tố tiềm năng, lợi thế nội tại đủ lớn, đủ rõ ràng để có thể phát triển cho địa phương và tạo động lực cho cả vùng nên không sắp xếp, các địa phương còn lại đã có dự kiến “địa chỉ” cụ thể sau sáp nhập. Tên gọi dự kiến cũng được giữ lại một trong các tên cũ của địa phương trước sáp nhập để tránh những thay đổi lớn trong thủ tục hành chính, từ đó giảm bớt những phiền hà đối với người dân. Thiết nghĩ, dù với tên gọi nào thì quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng tốt hơn mới chính là mục tiêu cần quan tâm hơn cả.
30 năm trước, đã có đợt chia tách nhiều tỉnh, thành lớn do điều kiện về hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, trình độ cán bộ và mặt bằng dân trí chưa cho phép quản lý hiệu quả một địa bàn với quy mô rộng lớn. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay khi điều kiện đã khác xưa rất nhiều, từ năng lực cán bộ, trình độ dân trí, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số đến mức độ sẵn sàng hội nhập, thì việc sáp nhập là bước đi tất yếu. Những tâm tư, băn khoăn là có thật nhưng với một chủ trương lớn và có ý nghĩa như sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cần hiểu đúng và trúng để tránh rơi vào những thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thanh Lâm
- Kêu gọi cứu trợ nạn nhân động đất tại Myanmar và Thái Lan
- Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua đề án Hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh- Truyền hình Bạc Liêu, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Phục vụ 18 chuyến xe thư viện lưu động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc
- Huyện Phước Long: Tổ chức Giải đua ghe Ngo mini mừng tết Chôl-chnăm-thmây