BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay
Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị (LLCT) là một bộ phận của giới nghiên cứu lý luận, đã và đang tích cực tham gia nghiên cứu, đưa ra những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện sự nghiệp đổi mới. Đánh giá về thành tựu của công tác này, Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: Công tác tư tưởng lý luận đạt được nhiều thành tựu làm cho Nhân dân ta nhận thức rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Thành tựu đó có một phần đóng góp rất lớn của đội ngũ giảng viên LLCT. Vì chính họ là người hiểu rõ vai trò của mình khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức về LLCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là vinh dự và trách nhiệm.
Đồng chí Dương Văn Thạnh - Hiệu trưởng Trường Chính trị Châu Văn Đặng trao giải cho các thí sinh đoạt giải Ba tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2022. Ảnh: N.Q
Ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân
Học tập là vốn quý từ bao đời của dân tộc ta. Học để hiểu biết để giúp đời, giúp người. Bản thân mỗi người giáo viên phải ra sức học tập không ngừng thì mới có đủ kiến thức phục vụ công tác giảng dạy, góp phần dạy tốt, dạy giỏi, dạy hay và thuyết phục được người học. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội sa thải”.
Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì giảng viên dạy LLCT nếu không muốn lạc hậu, thậm chí bị sa thải thì phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Luôn dùng phê bình và tự phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình, cùng đồng chí mình tiến bộ trong việc dạy tốt LLCT. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là để mọi người giáo viên có tư tưởng tiến bộ và luôn luôn cần tiến bộ, không tiến bộ thì ngừng lại mà ngừng lại thì tụt hậu, mình cố gắng tiến bộ thì chắc tiến bộ mãi.
Vì vậy giảng viên LLCT cần nghiên cứu kỹ, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ bản thân, song song với vấn đề này là tu dưỡng việc rèn luyện đạo đức cách mạng, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về LLCT... Vì chỉ có thể thấm nhuần đạo đức cách mạng mới có thể giảng dạy thành công về đạo đức cách mạng. Không có đạo đức cách mạng, không thấm nhuần LLCT mà dạy LLCT, dạy đạo đức cách mạng là khó thuyết phục. Giảng viên có biết làm việc, biết làm người, biết làm cán bộ, biết cách lựa chọn phương pháp học để có kết quả tốt nhất thì mới có thể giảng dạy cho học viên biết cách học việc, làm người, làm cán bộ được, mới có thể xử lý thấu đáo các vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác ở địa phương mình.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên ở khắp mọi miền của đất nước. Vì vậy, trong sinh hoạt Đảng cần nêu gương và học tập những tấm gương đó. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng mài càng trong. Có gì sung sướng và vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và giải phóng loài người”. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, giảng viên cần nêu cao tinh thần tự giác, tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để không rơi vào chủ nghĩa cá nhân. Mỗi người cần đủ sức đề kháng để chống lại các loại “vi-rút” gây nên những biểu hiện thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt văn hóa chính trị, bảo đảm kỷ luật phát ngôn để xứng đáng là người thầy, người cán bộ LLCT trong giai đoạn hiện nay - một nghề cao đẹp nhất trong các nghề cao quý vinh quang, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bồi dưỡng tình yêu với nghề
Để hoàn thành tốt trọng trách của mình trong giai đoạn mới, giảng viên LLCT phải thật sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Giảng viên phải xác định dạy học là công việc chính, gắn bó cả cuộc đời công tác. Đây là cơ sở, là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết của mỗi nhà giáo. Yêu nghề còn là cơ sở để thầy cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc, nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp. Học viên đến trường họ cần lĩnh hội kiến thức mới nhưng họ cũng muốn nhận được ở người giảng viên sự nhiệt tình, sự tận tụy trong bài giảng trên lớp và cả tấm gương trong cuộc sống đời thường. Bác Hồ từng nhắc nhở: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được. Vì vậy, nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.
Trong thực tế những năm gần đây, sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đang làm băng hoại nền đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc. Có thể nói, đây là những thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào Đảng, vào chế độ. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi mỗi giảng viên LLCT phải vững tâm, hết lòng, hết sức với nghề mình đã chọn, không ngừng nghiên cứu, tu dưỡng, học tập, rèn luyện, cống hiến để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Phải thật sự yêu quý nghề của mình, không sợ khó, không sợ khổ; phải chiến thắng bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao như Lênin từng nói: “Tôi không sợ khổ, không sợ chết, tôi chỉ sợ không chiến thắng được những giây phút yếu đuối của lòng tôi. Chiến thắng vẻ vang nhất là chiến thắng bản thân”.
Th.s Lê Cẩm Lệ (Trường Chính trị Châu Văn Đặng)
- Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2025 tăng trên 8%
- Thanh tra tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thường trực Tỉnh ủy làm việc với xã Định Thành A, huyện Đông Hải về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và chuẩn bị Tết Quân - dân
- Toàn tỉnh Bạc Liêu có 184,509MWp tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà
- Huyện Hồng Dân: Gần 100 lao động hợp sức xây dựng cầu dây văng trị giá hơn 1 tỷ đồng