BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Một số điểm mới trong công tác bầu cử
Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cơ bản thực hiện theo các quy định, hướng dẫn đã có trước đây, song vẫn có vài điểm mới mà người thực hiện công tác bầu cử và cử tri cần quan tâm. Về một số nội dung mới cơ bản trong tiến trình bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Ngô Công Hầu - Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh cho biết:
Trước tiên là việc quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.
Điểm mới tiếp theo là danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử ĐBQH cũng như đối với người ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Đối với danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6, Điều 57 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và thực hiện. Đối với nội dung tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, so với kỳ bầu cử trước, kỳ này không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Ông Ngô Công Hầu
PV: Ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách. Ông có thể nói cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện này?
Ông Ngô Công Hầu: Ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử ĐBQH chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau: có trình độ đào tạo đại học trở lên, phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên, có quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh tương đương trở lên.
Người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách để làm phó trưởng đoàn phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND tỉnh hoặc tương đương trở lên.
Đối với người ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung, còn phải có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện). Riêng với cấp tỉnh, cán bộ ứng cử phó chủ tịch HĐND chuyên trách phải là tỉnh ủy viên trở lên (trong đó có một đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy) đang giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và đã được quy hoạch phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của HĐND phải giữ chức vụ từ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban chuyên trách của HĐND phải giữ chức vụ trưởng phòng hoặc tương đương trong các sở, ban, ngành cấp tỉnh trở lên.
Cán bộ, công chức ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách cấp huyện, cấp xã cũng có những tiêu chuẩn, điều kiện khác so với người ứng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.
PV: Một điểm mới trong phần khai về quốc tịch trong đơn ứng cử và các tài liệu khác trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn người ứng cử cần ghi rõ: “Chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”. Vậy thế nào là “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, thưa ông?
Ông Ngô Công Hầu: Luật số 47/2019/QH14 và Luật số 65/2020/QH14 đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, đại biểu HĐND nội dung: “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Theo đó, người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam phải là người không đồng thời có quốc tịch của một quốc gia khác.
Thực tế, đây không phải là quy định hoàn toàn mới, mà là nội dung đã được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp, cũng như trong các quy định và thực tiễn công tác bầu cử từ trước đến nay. Việc quy định rõ thành một tiêu chuẩn cụ thể trong các luật nói trên là nhằm khẳng định rõ hơn quan điểm của Đảng, Nhà nước và tạo sự minh bạch trong áp dụng luật.
Do đó, phần khai về quốc tịch trong đơn ứng cử và các tài liệu khác trong hồ sơ ứng cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã hướng dẫn người ứng cử cần ghi rõ: “Chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”. Người ứng cử phải cam đoan về các nội dung mình đã khai.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Quốc (thực hiện)
- Kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh - Lê Thị Ái Nam: Sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và cử tri đã làm nên thành công cuộc bầu cử
- Công an Bạc Liêu: Bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử