BÚA LIỀM VÀNG 2023
Lắng nghe dân để xây dựng chính quyền thân thiện
Bài 2: Khi tiếng nói của người dân chưa được xem trọng
Học và làm theo phong cách gần dân, trọng dân của Bác, cán bộ dù ở thời kỳ, vị trí nào cũng cần phải lắng nghe tiếng nói của Nhân dân để xây dựng, hoàn thiện nền hành chính thân thiện, vì dân phục vụ. Trong rất nhiều cuộc làm việc với các địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã đặc biệt nhắc nhở cán bộ cơ sở phải thường xuyên gần gũi, hết sức lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, bởi được lòng dân thì làm việc gì cũng hiệu quả. Tinh thần chỉ đạo là vậy, song trên thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ mang tư tưởng, biểu hiện “ngại” lắng nghe dân, chưa thật sự đề cao tiếng nói của dân.
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra các cống đầu nguồn dọc đê biển Đông sau phản ánh của người dân. Ảnh: C.L
THIẾU THỰC CHẤT TRONG LẮNG NGHE DÂN
Là diễn đàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng coi trọng tinh thần hướng về cơ sở, trọng dân, gần dân và sát dân. Vì vậy, các hoạt động này luôn thu hút được đông đảo người dân tham gia đóng góp ý kiến. Đáp lại sự tin tưởng ấy, các đại biểu dân cử đã lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri. Với vai trò là “cầu nối” giữa người dân với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và chính quyền các cấp, các đại biểu đã phản ánh một cách trung thực nhất những mối quan tâm, khó khăn, vướng mắc, trăn trở của cử tri tới HĐND tỉnh, cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải mọi vấn đề cử tri phản ánh đều được giải quyết rốt ráo, dứt điểm. Đơn cử như trong nhiều kỳ họp HĐND huyện Vĩnh Lợi và HĐND tỉnh, một kiến nghị cũ là tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ bãi rác Tân Tạo (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) được cử tri liên tục gửi đến các đại biểu, với mong ước tỉnh sớm có giải pháp để người dân thoát cảnh sống chung với… rác, nhưng đến nay “đâu vẫn vào đấy, khổ lắm, nói mãi”.
Cách nay chưa lâu, hàng trăm hộ nuôi tôm sống dọc theo tuyến đê biển Đông phải chịu chung cảnh ngộ khi hàng loạt cống dẫn nước đầu nguồn xây dựng ì ạch, khiến cho dòng chảy ách tắc. Hậu quả là nhiều hộ buộc phải “treo ao” vì không thể lấy nước nuôi tôm. Ông N.V.H (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Lúc tiến hành lắp đặt các cống lớn dẫn nước thay bằng các ống bọng, nắn dòng dẫn nước tạm, nhiều hộ đã đề nghị xã, đơn vị thi công thay bọng dẫn nước lớn hơn vì tiết diện cống quá nhỏ không đủ nước cho toàn khu nuôi. Thế nhưng, những góp ý của chúng tôi không được xem xét và hậu quả là không đủ nước phục vụ nuôi tôm dẫn đến tình trạng tôm chết, người dân bỏ vụ. Cuối cùng thiệt hại vẫn là người dân gánh chịu”.
Trên thực tế, dù có lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của dân bằng hình thức như: tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, hộp thư góp ý… nhưng phải thừa nhận là tình trạng qua loa, đại khái, tắc trách, vô cảm trong việc nghe dân nói, kiểm chứng phản ánh của dân vẫn diễn ra ở một số nơi, trong tư tưởng và hành vi một bộ phận cán bộ các cấp.
Đám ruộng của người dân bị thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm từ bãi rác Tân Tạo tràn sang. Ảnh: H.T
TỰ ĐẨY MÌNH XA DÂN
Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng thắt chặt mối quan hệ cốt lõi và máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Một trong những nhiệm vụ, công việc quan trọng của cán bộ, đảng viên là phải giữ mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với dân. Chỉ có như vậy, những “công bộc” mới học hỏi được Nhân dân, được dân yêu quý, đùm bọc, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình. Ngược lại, nếu bệnh quan cách, thiếu tôn trọng vai trò của dân sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường là làm cho cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, không xứng đáng với vai trò lãnh đạo và càng không làm tròn sứ mệnh là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Trong đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân giai đoạn 2018 - 2021 vào tháng 4/2023, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã chỉ ra một số bất cập trong phát triển “tam nông”, trong đó các địa phương chưa phát huy tốt vai trò giám sát của Nhân dân. Dẫn chứng cho vấn đề này, đoàn giám sát cho biết người dân trong Tổ giám sát đầu tư cộng đồng tại một số nơi không được tham gia giám sát ngay từ đầu, không được cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án để lập kế hoạch, báo cáo giám sát dự án. Điều nghịch lý là sau khi dự án hoàn thành, họ lại được chủ đầu tư, nhà thầu đề nghị ký xác nhận nghiệm thu công trình.
Bên cạnh đó, sự thiếu thực chất trong việc lắng nghe, phát huy sự đóng góp ý kiến dân còn diễn ra trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Vì để thủ tục được giải quyết nhanh chóng và tránh “mất lòng” cán bộ, lần sau lại bị “ngâm” giấy tờ nên họ buộc phải chấp nhận “thỏa hiệp”, im lặng với những hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân. Có khi, người dân muốn phản ánh những cán bộ có thái độ, hành vi thiếu chuẩn mực trong thực thi công vụ nhưng chẳng biết phản ánh với ai, cách thức như thế nào. Bà N.H (TP. Bạc Liêu) rất bức xúc khi lên Bộ phận “một cửa” phường giải quyết thủ tục đất đai thì bị công chức Địa chính gây khó dễ, có biểu hiện đòi chi phí không chính thức. Quá bức xúc với thái độ, hành vi cửa quyền, tham nhũng vặt của cán bộ, bà N.H muốn tố cáo sự việc nhưng không có số điện thoại của người có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ý kiến của dân.
Trong quyết tâm và nỗ lực chung để xây dựng chính quyền thân thiện, việc chậm chuyển biến trong lắng nghe, phát huy tiếng nói của người dân ở một số cấp chính quyền cơ sở trong tỉnh đã cho thấy tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Điều này dẫn tới hệ quả là gây bức xúc trong Nhân dân, tự đẩy cán bộ xa dân và ảnh hưởng tới uy tín, sụt giảm niềm tin vào bộ máy chính quyền.
CHÍ LINH - HỮU THỌ
- Chào cờ đầu tháng cuối cùng của năm 2024
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm