BÚA LIỀM VÀNG 2023
Thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm
Bài cuối: Đột phá cách nghĩ, mạnh dạn cách làm
>>Bài 1: Khi cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”
>>Bài 2: Đằng sau câu chuyện cán bộ chưa “dám nghĩ, dám làm”
Xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách là yêu cầu Đảng ta đặt ra tại Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nhưng để có được một đội ngũ cán bộ như thế, rõ ràng không thể chỉ có sự kêu gọi từ chủ trương của Đảng mà còn rất cần những hành động cụ thể từ các cấp ủy, chính quyền các cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chủ trì họp báo nêu quyết tâm về giải phóng mặt bằng ở dự án bị trì trệ gần 20 năm. Ảnh: M.Đ
Cởi trói về tư duy
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều chồng chéo đã trói buộc cán bộ về tư duy đến hành động. Họ có thể đã “dám nghĩ” nhưng không “dám làm” bởi những ràng buộc đến từ cơ chế!
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên các lĩnh vực luôn xuất hiện những vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác. Trong khi không phải vấn đề nào cũng có quy định rõ ràng để áp dụng, nên cán bộ dám nghĩ, dám làm có thể sai sót do không rập khuôn, làm việc một cách máy móc. Vì vậy, nếu lấy những thiếu sót đó làm định kiến, quy chụp vào quá trình đánh giá cán bộ một cách máy móc thì vô tình sẽ tạo ra rào cản cho sự đổi mới, sáng tạo. Nhưng ở phía ngược lại, đâu là ranh giới giữa “đổi mới, sáng tạo” với “cố ý làm trái” khi thi hành công vụ? Giải quyết được điểm mấu chốt này thì mới tạo ra được một hành lang thống nhất để thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cho sự quyết đoán của mình.
Khi Đảng ta đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã có không ít cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm mà không dám đề xuất, thực hiện những giải pháp đột phá, gỡ khó cho những vấn đề bức xúc đã tồn tại từ lâu. Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng trong nhiều cuộc kiểm tra thực tế ở các công trình chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh đã yêu cầu cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành vận dụng sáng tạo các quy định pháp luật, nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ. Đó cũng là đòi hỏi chung của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh khi mà không ít cán bộ còn làm ngơ, vô cảm trước những vấn đề bức xúc của người dân; khi hàng loạt dự án dang dở, gây thất thoát tiền của vẫn không có biểu hiện được xử lý. Sự trì trệ trong tư duy có thể dẫn đến những hệ lụy lớn hơn, vì vậy cơ chế đủ mạnh, giải pháp đủ hiệu quả để thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm phải bắt đầu từ sự cởi trói trong tư duy mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu!
Lấy kết quả để đánh giá quá trình
Sáng 21/9, sau quá trình vận động thuyết phục, giải thích pháp luật của Tổ công tác UBND Phường 7, gia đình ông Đào Chí Tâm đã đồng ý tự nguyện tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm trên đường Hòa Bình (khóm 4, Phường 7, TP. Bạc Liêu). Đây không chỉ là kết quả thỏa đáng của một quá trình thực thi pháp luật mà còn là yêu cầu của Nhân dân đặt ra đối với vai trò lãnh đạo điều hành của chính quyền các cấp, từ thành phố đến cơ sở. Bởi trước đó, hộ ông Đào Chí Tâm đã từng có vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Phường 8 mà không bị xử lý đến nơi đến chốn. Và ngay tại công trình vi phạm trên địa bàn Phường 7 vừa được tháo dỡ, trước đó ông Đào Chí Tâm đã cho thi công trái phép bất chấp Quyết định xử phạt của UBND Phường 7 mà đỉnh điểm là khóa nhốt 2 thành viên của Tổ kiểm tra về trật tự xây dựng phường khi họ đến kiểm tra. Dư luận đặt câu hỏi: phải chăng đối tượng vi phạm đã “nhờn thuốc” sau nhiều lần chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa phát huy vai trò, trách nhiệm, thiếu quyết đoán trong xử lý vi phạm?
Có một khái niệm đi liền với việc cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - đó là nền công vụ năng động. Khái niệm này chỉ nền công vụ với đội ngũ cán bộ, công chức tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo, có những ý tưởng mới, đột phá để mang đến những lợi ích cho địa phương, đơn vị. Ở nền công vụ năng động, từng cá nhân, tổ chức chủ động tìm kiếm cơ hội, không thụ động, ỷ lại vào cấp trên. Người đứng đầu chấp nhận tiếp thu ý tưởng mới, chấp nhận rủi ro để khuyến khích sự thay đổi và không ngừng phát triển.
Trở lại với câu chuyện giải phóng mặt bằng, từ những dự án bị vướng gần 20 năm đến những trường hợp được xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn, cả những dự án vẫn còn đang thách thức dư luận khi “trơ gan cùng tuế nguyệt” trong thời gian dài mà chẳng thay đổi, cho thấy Bạc Liêu còn thiếu một nền công vụ năng động như thế. Trong nền công vụ ấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò quyết định cùng với một hành lang pháp lý thông thoáng, những cơ chế rõ ràng, đồng bộ để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra quyết định kịp thời, hiệu quả, giải tỏa được điểm nghẽn trên lĩnh vực phụ trách cũng như bức xúc của Nhân dân.
Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của Bộ Nội vụ vẫn đang được lấy ý kiến với nhiều quan điểm khác nhau, đồng tình có, e ngại về tính thực tiễn cũng có. Trong khi chờ đợi một nghị định chính thức với những quy định cụ thể, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần mạnh dạn, chủ động thực hiện những giải pháp để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Theo đó, đi liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ là những chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời có cơ chế để loại bỏ những người trì trệ trong tư duy, mất uy tín với Nhân dân. Tạo động lực cải cách đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức dựa trên kết quả công việc; có cơ chế, chính sách để khuyến khích cũng như tạo điều kiện thăng tiến, phát triển cho những cá nhân có trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Công tâm đánh giá cán bộ dám nghĩ, dám làm
Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
(Trích Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung)
Kim Phượng
- Chào cờ đầu tháng cuối cùng của năm 2024
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm