BÚA LIỀM VÀNG 2024
Báo chí Bạc Liêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời đại số là nhiệm vụ sống còn của toàn Đảng, toàn dân. Báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có báo chí địa phương như Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH Bạc Liêu và Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu, đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ tư tưởng này. Trước sự tấn công dữ dội của thông tin sai lệch, tiêu cực các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để đấu tranh hiệu quả, góp phần giữ vững niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ.
Bài 1: Đi đầu trong công tác tư tưởng của Đảng
Gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng minh vai trò quan trọng của mình. Từ những ngày đầu, Bác Hồ đã chọn báo chí làm công cụ tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, báo chí luôn là lá cờ đầu trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, báo chí tiếp tục đồng hành cùng đất nước, vừa tuyên truyền đường lối của Đảng, vừa đấu tranh bảo vệ chân lý, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.
Hội báo toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Q
Báo chí tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, luôn coi “công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất” của Đảng.
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, bằng tinh thần cầu thị và lòng yêu nước nồng nàn, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng cách mạng trong Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289). Chủ nghĩa Mác-Lênin đã cung cấp cho Người một phương pháp luận khoa học để phân tích tình hình Việt Nam, từ đó tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam. Người không chỉ khẳng định tầm quan trọng, tính khoa học, cách mạng của học thuyết này mà còn kiên quyết phê phán những khuynh hướng tư tưởng sai trái, lệch lạc, phi Mác-xít. Người từng chỉ rõ những hạn chế như giáo điều, máy móc trong việc vận dụng lý luận, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Đối với Người, Chủ nghĩa Mác-Lênin không đơn thuần là một học thuyết mà còn là "mặt trời soi sáng" cho cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: "Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.279). Điều này cho thấy tầm nhìn sâu sắc của Người về vai trò quyết định của tư tưởng trong sự nghiệp cách mạng.
Sau khi xác định con đường giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền lý tưởng cách mạng. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập tờ báo chính trị đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, đặt tên là Thanh Niên. Số báo đầu tiên ra đời vào ngày 21/6/1925, đánh dấu một mốc son trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Trực tiếp chỉ đạo, biên tập, in và phát hành 8 số báo đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã biến Thanh Niên thành một công cụ sắc bén để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ lý tưởng cách mạng. Báo Thanh Niên không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn phân tích tình hình Việt Nam, kêu gọi mọi người đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Báo Thanh Niên được phát tán rộng rãi trong nước và hải ngoại, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, báo Thanh Niên đã khép lại một chương quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Ảnh: N.Q
Chiến sĩ tuyến đầu trong công cuộc bảo vệ Đảng
Trong gần một thế kỷ qua, báo chí của Đảng đã không ngừng khẳng định vị thế là lực lượng tiên phong trong công tác tư tưởng, văn hóa. Bằng việc tuyên truyền sâu rộng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Cương lĩnh, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự thống nhất trong Đảng, xây dựng sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, báo chí cũng tích cực tham gia vào công tác định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Nhờ đó, báo chí đã trở thành một công cụ hữu hiệu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và ngoại giao của đất nước.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đồng thời đặt Việt Nam vào tâm điểm của các hoạt động chống phá tinh vi từ các thế lực thù địch. Cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng ngày càng khốc liệt, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng công nghệ hiện đại để xuyên tạc, bôi nhọ, nhằm làm suy yếu niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ. Chiến lược “diễn biến hòa bình” được chúng triển khai một cách tinh vi, ngấm ngầm, nhắm vào các giá trị cốt lõi của dân tộc. Việc bẻ cong sự thật, gieo rắc hoang mang, chia rẽ nội bộ là những chiêu trò quen thuộc của chúng.
Âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ngoài những điểm chính đã được đề cập nhiều, chúng còn sử dụng mạng xã hội để tạo ra hệ thống “nhà báo công dân”, xây dựng các tổ chức “tự do báo chí”, “phóng viên không biên giới” với mục đích dẫn dắt, lèo lái dư luận theo mưu đồ chính trị phản động. Sự chống phá tinh vi, nham hiểm đó đang đặt ra thách thức rất lớn cho báo chí cách mạng Việt Nam với vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, báo chí đã tạo ra được một khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Các cơ quan báo chí không chỉ là những người lính trên mặt trận thông tin mà còn là những chiến sĩ tuyến đầu trong công cuộc bảo vệ Đảng, Nhà nước. Bằng những bài viết, hình ảnh chân thực, kịp thời, báo chí đã góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, khẳng định những thành tựu của đất nước, đồng thời đấu tranh quyết liệt chống lại các thông tin sai lệch, độc hại.
Song song với việc đấu tranh chống lại các thông tin sai lệch, tiêu cực báo chí còn tích cực tuyên truyền những tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Bằng việc giới thiệu những cách làm hay, những mô hình hiệu quả, báo chí đã khơi dậy tinh thần học tập, sáng tạo, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.
Nguyễn Quốc