BÚA LIỀM VÀNG 2024
Chấn hưng văn hóa từ công cuộc vun đắp gốc rễ, cội nguồn
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã vượt qua biết bao gian truân, thách thức để viết nên những trang sử hào hùng. Đó chính là một dân tộc Việt Nam kiên cường, đoàn kết và nồng nàn yêu nước, đã tạo nên những chiến thắng vang dội 5 châu, chấn động địa cầu, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại cuộc sống yên bình cho Nhân dân. Sự trân trọng, vun đắp gốc rễ, cội nguồn quý giá của cha ông đi trước cũng chính là một trong những đường hướng của công cuộc “Chấn hưng văn hóa” của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay.
Bài 1: Nhìn về quá khứ để hướng đến tương lai
Văn hóa chính là những tinh túy nhất của nhân loại trong quá trình phát triển. Hòa cùng dòng chảy lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam, Bạc Liêu trong quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng đã tạo nên những kỳ tích, nét đặc sắc rất riêng và được ghi dấu, gìn giữ ở hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa tọa lạc trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu bằng tấm lòng và những hành động thiết thực, luôn trân trọng và phát huy giá trị của những “bằng chứng lịch sử” hào hùng, những nét độc đáo rất riêng, truyền thống đẹp của văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc (Kinh - Khmer - Hoa), cùng hòa chung tinh thần đoàn kết vì một Bạc Liêu ngày càng phát triển.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác bảo quản hiện vật tại Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh.
GIỮ LẤY HỒN CỐT DÂN TỘC
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn". Do đó phải "đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển văn hóa", "tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc", "quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới". Có thể nói, chấn hưng và phát triển văn hóa vừa là khát vọng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân ta. Để thực hiện chiến lược này, cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; xây dựng chương trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực liên quan đến văn hóa, từ nguồn lực con người cho đến công trình văn hóa, văn hóa phi vật thể…
"Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có tổng nguồn vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng được xây dựng với 7 mục tiêu tổng quát, 9 dự án thành phần ở nhiều lĩnh vực (thiết chế văn hóa, công trình di tích lịch sử, văn hóa, công trình văn học, văn học - nghệ thuật, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực…) nhằm kiến tạo, khơi thông và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong đó, có khoảng 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được đầu tư tu bổ, tôn tạo, giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trong 3 năm vừa qua, Bạc Liêu đã dành nguồn kinh phí trên 60 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, sửa chữa các di tích đã xuống cấp (Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Ninh Thạnh Lợi, Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên…). Điều này thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích cho muôn đời sau. Dẫu quá khứ hào hùng theo quy luật cứ lùi xa, nhưng ngay trên chính mảnh đất này, lớp lớp thế hệ cháu con hôm nay vẫn mãi khắc ghi trong lòng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Tổ chức giáo dục truyền thống cho học sinh tại Di tích lịch sử Nọc Nạng.
LAN TỎA GIÁ TRỊ MUÔN ĐỜI
Hơn 12.000 liệt sĩ Bạc Liêu đã ngã xuống, nằm lại với chiến trường vì độc lập, tự do và hòa bình để rồi dựng lên cho hôm nay, cho mai sau những tượng đài bất tử. Những di tích lịch sử trải dài khắp nơi trong tỉnh đều thấm máu xương của cha ông, là minh chứng của tinh thần yêu nước bất diệt, của kỳ tích 2 lần giành chính quyền không đổ máu và là những dấu son trong trang sử vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu.
Vinh dự được “dẫn sử” tại hầu hết các di tích lịch sử của Bạc Liêu, chị Ngọc Mai - thuyết minh viên Ban Quản lý di tích tỉnh, trải lòng: “Được thuyết minh về di tích lịch sử, đặt biệt là đứng dưới những tượng đài anh hùng liệt sĩ đã khiến tôi luôn tự hào về khí chất kiên trung, bất khuất của ông cha, rồi từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước nồng nàn và tôi muốn truyền nó cho con cháu mình nữa. Tôi chưa bao giờ hết xúc động khi kể về các anh hùng liệt sĩ trên chính quê hương mình và chạm đến cảm xúc của du khách, cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tôi tự hào với công việc hiện nay của mình vì đã góp phần lan tỏa niềm tự hào dân tộc, vun đắp cho nguồn cội ngày càng vững vàng”.
“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” - lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một sự nhắc nhở các thế hệ người con đất Việt phải có trách nhiệm tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử dân tộc, qua đó gìn giữ, phát triển, giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau. Để sự hiểu biết được bắt nguồn từ nơi “gần nhất”, năm 2012, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã đưa các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương (lễ hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống, phong tục, tập quán, danh nhân văn hóa, di tích, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương) vào môn Giáo dục địa phương cho học sinh THCS và THPT.
Cô Nguyễn Thị Dân - giáo viên Trường THPT Bạc Liêu, cho biết: Để học môn Lịch sử “bớt khô”, giáo viên phải áp dụng phương pháp dẫn dắt, gợi mở, đưa ra vấn đề để học sinh thảo luận. Đồng thời những năm gần đây, nhà trường và giáo viên bộ môn cũng đã tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cho học sinh tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống trong tỉnh. Qua đó “làm mềm” các bài giảng môn Lịch sử vốn khô khan trở nên phong phú, sinh động, khắc sâu kiến thức cho học sinh.
Thật vậy, “biết sử ta” không chỉ đơn thuần là ghi nhớ một vài mốc sự kiện, một vài chiến công hiển hách, một vài tên tuổi vị tướng anh hùng mà phải biết tìm hiểu “tường tận” để thấu hiểu được giá trị lịch sử, không chỉ ở thời điểm đó, mà có giá trị muôn đời. Từ đó khơi dậy và lan tỏa lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo thành ý thức, trách nhiệm phải bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của ông cha, xây dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Nhóm PV
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường
- Thiếu vắc-xin sởi giữa lúc ca bệnh tăng vọt