BÚA LIỀM VÀNG 2024
Chấn hưng văn hóa từ công cuộc vun đắp gốc rễ, cội nguồn
>>> Bài 1: Nhìn về quá khứ để hướng đến tương lai
Bài 2: Dấu ấn đa màu sắc của lịch sử, văn hóa Bạc Liêu
Bạc Liêu là vùng đất mới, được khai phá muộn màng trong quá trình xây dựng đất nước của dân tộc, nhưng trải qua 2 cuộc kháng chiến bi hùng cũng đã tạo ra không ít những giá trị lịch sử “kiêu hãnh” được ghi dấu ở hơn 50 di tích được xếp hạng, trong đó có 14 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt. Suốt chặng đường không ngừng phát triển, dù với nguồn lực hạn chế, Bạc Liêu vẫn quan tâm đến công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa với tinh thần “nhìn lại để bước tiếp”, góp phần cùng đất nước thực hiện sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế, nghe đơn vị tư vấn trình bày phương án nâng cấp Di tích Đồng hồ Thái Dương (TP. Bạc Liêu).
KỲ TÍCH VÀ NIỀM TỰ HÀO CỦA CÁC THẾ HỆ
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hiểm nguy, khẳng định vai trò, vị trí của mình, tạo nên những mốc son lịch sử chói lọi trong vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối, chiến lược, sách lược. Kết quả, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu đã làm nên chiến thắng, giành chính quyền không đổ máu; và kỳ tích này được lập lại 30 năm sau, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của dân tộc Việt Nam. Bạc Liêu cùng cả nước đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thời chiến ngày một lùi xa, quê hương Bạc Liêu ngày càng phát triển, nhưng những di tích lịch sử trên vùng đất gần cuối trời Tổ quốc vẫn sừng sững với thời gian như một biểu tượng sống về niềm tự hào. Người Bạc Liêu tự hào, du khách gần xa cũng dành sự thán phục khi về thăm Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), Di tích Địa điểm nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) và nghe những câu chuyện về cuộc đấu tranh không khoan nhượng, bất khuất của gia đình Mười Chức (năm 1928), nông dân Ninh Thạnh Lợi (năm 1927) với thực dân Pháp, bè lũ tay sai để bảo vệ ruộng đất. Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu luôn tự hào về Di tích Căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) - nơi đã từng đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ, chở che cho các cơ quan Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy khu 9, Tỉnh ủy Bạc Liêu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mãi cho đến nay, căn cứ này vẫn còn lưu dấu nhiều chứng tích, câu chuyện về nghĩa tình quân - dân.
Cũng trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, các dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa đã sản sinh ra những di tích có giá trị về văn hóa, nghệ thuật kiến trúc. Có mặt lâu đời và chứa đựng giá trị độc đáo phải nhắc đến Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Được xây dựng cách nay hơn 1.300 năm, di tích là kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ. Đặc biệt, tại di tích này đã được tìm thấy 5 bảo vật quốc gia.
Trong khi đó, Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) là một trong những điểm đón nhiều khách tham quan nhất của tỉnh. Không chỉ du khách trong, ngoài tỉnh mà hàng ngàn học sinh, sinh viên, đoàn viên - thanh niên khi tham gia chương trình ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn không chỉ thích thú với khuôn viên trong lành từ ao sen, vườn cây xanh mướt mà còn vô cùng xúc động khi tìm hiểu về hơn 200 hiện vật dễ dàng hình dung về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, nhất là những tình cảm mà người dân Châu Thới nói riêng, Bạc Liêu nói chung dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đó là những mảnh khăn tang của người dân đã đeo khi biết tin Bác mất năm 1969; những vật liệu mà người dân Châu Thới đã vừa chiến đấu vừa dựng Đền thờ Bác, bất chấp “5 lần, 7 lượt” bọn địch đốt phá, tháo dỡ…
Du khách tham quan, nghe thuyết minh về Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi).
PHÁT HUY BẢN SẮC RIÊNG, GIÁ TRỊ ĐỘC ĐÁO
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào năm 2021 “phải xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển và soi đường cho quốc dân đi”. Và Việt Nam cũng đã lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Nét phong phú, đủ sắc màu của “vườn hoa dân tộc” Bạc Liêu cũng hết sức độc đáo với sự giao thoa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Các di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như: đình An Trạch, đình Tân Hưng, chùa Vĩnh Đức, chùa Xiêm Cán…, không chỉ mang những nét kiến trúc, tín ngưỡng thiêng liêng riêng biệt của mỗi dân tộc mà những điểm di tích đó thời kháng chiến còn là nơi tổ chức các buổi hội họp của cách mạng, nuôi chứa cán bộ...
Vượt khó trên con đường phát triển, Bạc Liêu tiến về phía trước nhưng không quên “nhìn lại” lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa thông qua việc ban hành, đưa nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho di tích đi vào cuộc sống để đặt nền tảng, tạo động lực phát triển. Từ tỉnh đến cơ sở, từ cán bộ quản lý di tích đến công chức văn hóa phường, xã đều nhận thức rõ bảo vệ di tích không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nghĩa cử thiêng liêng để đáp đền công ơn của những người đã ngã xuống, những bậc tiền nhân dày công xây đắp, phát triển văn hóa Bạc Liêu.
Từ truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân, cùng sự hội tụ của 3 dòng văn hóa Kinh - Khmer - Hoa đã để lại cho Bạc Liêu 55 di tích và còn nhiều công trình có dấu hiệu di tích. Sự quan tâm, hướng về nguồn cội được tỉnh thể hiện không chỉ qua công tác kịp thời kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng mà còn chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn sâu sát trong quản lý, thẩm định hiện trạng và chủ động có biện pháp tiếp sức cho di tích, nhất là các di tích bị tổn thương nặng nề.
Trước phản ánh của cử tri về tình trạng xuống cấp, bị bỏ hoang và đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý di tịch lịch sử - văn hóa, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng yêu cầu: “Sở VH-TT&DL hằng năm phải chủ động rà soát tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích trong tỉnh để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách nâng cấp theo thứ tự ưu tiên đầu tư. Trong phân cấp quản lý di tích, phải giao trách nhiệm rõ ràng, có kiểm tra, không để xảy ra tình trạng hàng loạt di tích cùng xuống cấp rồi phải đầu tư kinh phí rất lớn để tu bổ”.
Nhóm PV