BÚA LIỀM VÀNG 2024

Chấn hưng văn hóa từ công cuộc vun đắp gốc rễ, cội nguồn

Chủ Nhật, 06/10/2024 | 18:23

>>> Bài 2: Dấu ấn đa màu sắc của lịch sử, văn hóa Bạc Liêu

Bài 3: Hàng loạt di tích chờ… cứu!

Bạc Liêu luôn xác định giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa chính là tạo nền tảng tinh thần, là một trong những động lực để phát triển. Tuy nhiên, dù đã có những đường hướng, động thái quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích đã được công nhận, xếp hạng, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa thực sự xứng tầm với giá trị mà lịch sử “trao tặng” cho thế hệ sau. Hàng loạt di tích trong tỉnh đang chờ… được cứu vì bị lấn chiếm, bị biến dạng vì xuống cấp, đau lòng hơn khi không ít di tích bị xâm hại, trộm cắp hiện vật.

Bề mặt bia mộ các thành viên trong gia đình Mười Chức tại Di tích lịch sử Nọc Nạng bị bong tróc.

THỰC TRẠNG XÓT XA

Một thực trạng đau lòng ở những nơi thời tự hay các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật là nạn trộm cắp cổ vật. Vĩnh Phước An Tự tọa tại Phường 2 (TP. Bạc Liêu) là một trong những ngôi chùa cổ với kiến trúc Đông - Tây kết hợp và cũng là một trong những địa chỉ cần được bảo tồn. Thế nhưng, không gian của kiến trúc này đã không còn được như xưa khi tất cả những hoa văn, linh thú và vật trang trí trên các kèo, cột, mái chùa, nốc chùa… được làm bằng gốm sứ đều bị tháo xuống đem đi cất vào kho!? Nguyên nhân của thực trạng này là nạn trộm cắp cổ vật đã từng xảy ra ở đây nên trụ trì chùa rất lo sợ và đành “đau lòng” tháo xuống, vì nếu không làm vậy dần dần các cổ vật sẽ mất hết!?

Ông Trương Quốc Việt - thành viên Ban trị sự Vĩnh Phước An Tự, bộc bạch: “Các cổ vật trang trí do lắp cố định nên khi tháo xuống dễ bị bể hoặc gãy, khó còn nguyên vẹn, nhưng không làm vậy thì sẽ bị trộm lấy cắp. Trước đây, chùa có nhiều lư hương và hạc đồng, chân đèn cổ cũng bị trộm lấy đi cầu số. Thậm chí, cả câu liễn đối dài mấy thước cũng bị trộm vào lấy”.

Trong cuộc giám sát, khảo sát mới đây của HĐND tỉnh, hàng loạt di tích có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, đình Phong Thạnh (khóm 4, Phường 1, TX. Giá Rai) - công trình di tích mang tầm thiên niên kỷ từ thời vua Minh Mạng (năm 1820 - 1840), là nơi người dân tế lễ tạ ơn trời đất, và để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân, công thần, quan văn hay tướng võ trung thần nghĩa sĩ có công với đất nước; thế mà hiện đình đang phải “mặc chiếc áo rêu phong”, đường vào đình ngập nước, cột kèo bong tróc sơn, khi mưa lớn vẫn bị dột, đã vậy còn có hàng chục hộ dân lấn chiếm.

Xót xa không kém là Khu di tích lịch sử Điểm nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 (còn gọi là khu di tích Chủ Chọt), cổng, hàng rào, tường nhà bị rong rêu bám, đường vào khu di tích nhỏ, không có người trông coi, bảo vệ di tích, khi khách tham quan đến phải điện thoại cho địa phương. Đặc biệt, khu mộ của các nghĩa quân tử trận lại không có bia ghi tên, lược sử cá nhân (?).

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý đối với Di tích khảo cổ tháp Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi).

YẾU TỪ NGUỒN LỰC ĐẾN NHÂN LỰC

Theo thông tin từ ngành chức năng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, hằng năm UBND tỉnh vẫn dành nguồn kinh phí để “hồi sức” cho di tích. Tuy nhiên, sự đầu tư này chưa thỏa đáng, không theo kịp mức độ, tốc độ xuống cấp của các di tích lịch sử - văn hóa.

Ban Quản lý di tích tỉnh được giao quản lý 7 tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp quốc gia. Quản lý những di tích quan trọng và có giá trị tiêu biểu, song đơn vị này chỉ được cấp nguồn kinh phí đủ để sửa chữa nhỏ. Lần lượt trong các năm 2021, 2022 và 2023, Ban Quản lý di tích tỉnh được cấp gần 900 triệu đồng, hơn 670 triệu đồng và hơn 244 triệu đồng. Với kinh phí có xu hướng giảm dần theo từng năm, Ban phải “cào bằng” kinh phí tu bổ cho các di tích và chỉ có thể trùng tu với quy mô rất nhỏ như: thay bóng đèn, nền gạch, phòng cháy chữa cháy, sửa nhà vệ sinh, khơi thông đường thoát nước… Thậm chí, không đủ khả năng thực hiện việc chống mối mọt phá hoại đối với di tích ở địa bàn ẩm thấp.

Không chỉ nguồn lực đầu tư cho di tích còn nhỏ giọt, dàn trải mà nhân lực có chuyên môn về văn hóa ở cơ sở cũng không đủ sức đảm đương, còn tình trạng bố trí cán bộ không đúng chuyên môn. Đặc biệt, lực lượng thuyết minh viên tại các di tích thuộc vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và thu nhập thấp. Điều đáng nói, nhiều di tích không thành lập tổ quản lý, vậy ai sẽ phụ trách công tác tôn tạo, mở cửa khi du khách có nhu cầu tham quan?!

Trong khi đó, nhân lực được giao nhiệm vụ quản lý di tích cũng rất “khiếm tốn” về chuyên môn nên việc quản lý, tôn tạo cập rập, lúng túng. Từ đó, xuất hiện tình trạng một số nơi tự ý tu bổ, tôn tạo mà không xin phép. Chẳng hạn như việc phục dựng lại các bức tranh dân gian ở chùa Vĩnh Triều Minh (Phường 3, TP. Bạc Liêu) tuy đã rất cố gắng, nhưng vẫn không tuân thủ được các nguyên tắc trong phối màu, bút pháp và cả bố cục. Hay mới đây, đình Vĩnh Mỹ (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) cũng đã được Ban trị sự thay diện mạo bằng việc đổi màu sơn mới từ vàng sang xanh. Và hệ luỵ mà vấn nạn này mang đến là vô tình làm phá vỡ giá trị vốn có của di tích, nhất là tại các đình, chùa do Ban trị sự quản lý. Cũng vì thế, kiến trúc của một vài di tích, đình, chùa ngày càng mang dáng vẻ hiện đại, hoành tráng nhưng giá trị lịch sử, văn hóa thì dần phai nhạt, thậm chí bị mất gốc.

Bên cạnh đó, “điểm nghẽn” của việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Quy định đã giao Sở VH-TT&DL quản lý di tích quốc gia, UBND các huyện trực tiếp quản lý các di tích cấp tỉnh. Phân cấp rõ là vậy, nhưng vẫn còn “bệnh” né trách nhiệm.

Để các di tích phải cất tiếng "kêu cứu", dẫu do nguyên nhân gì đi nữa, cũng là trách nhiệm của hậu thế hôm nay. Và nếu không có giải pháp kịp thời, thực trạng này có thể dẫn đến những hệ lụy không thể vãn hồi trong tương lai.

Nhóm P.V

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.