BÚA LIỀM VÀNG 2024

Chấn hưng văn hóa từ công cuộc vun đắp gốc rễ, cội nguồn

Thứ Hai, 07/10/2024 | 14:02

>>> Bài 3: Hàng loạt di tích chờ… cứu!

Bài cuối: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - nền tảng cho hậu thế vững vàng

Bạc Liêu cũng như các địa phương khác đều “sở hữu” cho mình những trang sử vang vẻ vang; không gian, biểu trưng văn hóa riêng biệt, độc đáo đặc thù. Trong công cuộc “Chấn hưng văn hóa” của toàn Đảng và toàn dân ta hôm nay thì việc bảo tồn, phát huy cao nhất giá trị của di tích lịch sử, văn hóa cũng đồng nghĩa với việc tạo một nền tảng tương lai vững vàng. Bởi qua đó, các “hậu thế” luôn được hun đúc tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn. Từ đó cũng khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Trình chiếu hình ảnh khảo sát thực tế về các khu di tích bị xuống cấp trầm trọng tại phiên chất vấn kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh.

CÀNG KHÓ CÀNG PHI QUYT TÂM

Thực tế cho thấy, việc trùng tu di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang đứng trước ranh giới mong manh giữa bảo vệ, giữ gìn nguyên giá trị và sự phá hủy, gây biến dạng. Trong khi đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lại là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong bối cảnh tác động của môi trường, thiếu kinh phí đầu tư, chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa còn hạn chế, tình trạng tự ý sửa chữa ở các di tích do người dân quản lý vẫn còn diễn ra… Chính vì vậy, cần có những giải pháp mang tính căn cơ, dài hơi để đảm bảo thực hiện 2 mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị di tích.

Tại kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024), đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đã nêu lên những bất cập trong công tác quản lý, tu bổ, nâng cấp, phát huy giá trị các di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đại biểu Huỳnh Dao đã cho trình chiếu một số hình ảnh cụ thể các di tích lịch sử, văn hóa đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, hoặc có nơi chưa được quan tâm tôn tạo xứng tầm.

Tuy nhiên, điều khó có thể thuyết phục được là khi lý giải vấn đề này, bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, bên cạnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tham mưu, quản lý của ngành thì nguyên nhân do tỉnh nằm trong vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu, trong khi nhiều di tích xây dựng cách đây cả trăm năm nên xuống cấp nhanh; kinh phí tu bổ khá lớn nhưng tỉnh còn khó khăn (?!).

Sau phần trả lời trên, hầu hết các đại biểu có mặt tại phiên chất vấn đều không đồng tình. Các đại biểu chỉ ra rằng, ngành chức năng, địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức khi không linh hoạt, chủ động xử lý những vấn đề rất nhỏ như: nâng cấp đường vào di tích, sơn lại cổng, tường nhà, sửa chữa lại phần mái bị dột nát, xử lý phần nền quá thấp gây ngập khi trời mưa…

Kết luận vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lữ Văn Hùng cho rằng thời gian qua ngành Văn hóa tham mưu việc quản lý các di tích cho UBND tỉnh chưa tốt. Mặc dù nguồn lực của tỉnh hạn chế, nhưng ngành cần phải thường xuyên rà soát và tham mưu cụ thể kế hoạch tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử, văn hóa theo thứ tự ưu tiên trước, sau, đặc biệt là cấp bách. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Không phải thấy khó mà bó tay, càng khó càng phải quyết tâm thì mới tháo gỡ, khắc phục được.

Đơn vị tư vấn trình bày phương án số hóa di sản, di tích Bạc Liêu.

ĐNG B CÁC GII PHÁP

Khi “tiếng chuông báo động” vang lên, ngành chức năng cũng như các địa phương mới bắt đầu có sự nhìn nhận thẳng thắn về những hạn chế từ khách quan lẫn chủ quan trong quá trình quản lý, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời qua đó, lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng cũng đã ghi nhận nhiều góp ý, đề xuất giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Ban Quản lý di tích (Sở VH-TT&DL), việc rà soát và khắc phục tình trạng “kêu cứu” của các di tích được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh hiện nay là rất cấp thiết. Bên cạnh đó, để phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa từ các địa điểm này thì thời gian tới cần có sự phối hợp với các đoàn thể, ngành Giáo dục, các đơn vị tổ chức cho đoàn viên - thanh niên, học sinh tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh, kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên tại các khu di tích; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan về nguồn. Qua các hoạt động vừa thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị lịch sử, vừa giúp thế hệ hôm nay ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, điều đáng nói, một số trường học, đơn vị, thậm chí Trường Chính trị Châu Văn Đặng lại chọn tham quan thực tế ở các điểm di tích lịch sử, văn hóa ngoài tỉnh, thậm chí xa tận ngoài miền Trung, miền Bắc mà “hời hợt” với hàng chục di tích xếp hạng, tiêu biểu của địa phương.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietsoft Pro, nhận định: “Số lượng di sản, trong đó có các di tích do ông cha để lại rất đồ sộ, với nhiều cổ vật và bảo vật quý nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc bảo tồn hiện vật trước sự tác động của thời gian, môi trường. Vì vậy, việc số hóa không chỉ giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tạo cho mỗi di tích một hồ sơ dữ liệu để phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu, bảo tồn mà còn có thể phát triển giá trị du lịch”.

Ông Việt dẫn chứng, nhiều địa phương như: Hà Nội, Huế… đã thành công trong việc số hóa di tích để khách tham quan tiếp cận di tích, các hiện vật một cách sống động, hấp dẫn và chi tiết hơn thông qua các hiệu ứng về hình ảnh, video và âm thanh. Đây là điều mà cách thuyết minh, giới thiệu thông thường về di tích không khai thác được. Từ doanh thu bán vé cho khách tham quan trải nghiệm di tích bằng công nghệ số, địa phương sẽ có thêm kinh phí tái trùng tu để chăm sóc, “hồi sức” cho di tích. Bạc Liêu cũng cần sớm nghiên cứu và áp dụng việc số hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di tích - đang là xu thế tất yếu hiện nay.

Bên cạnh đó, trong quá trình trao đổi về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nhiều ý kiến cũng đã đồng thuận là việc khai thác phát huy giá trị di tích theo xu thế vừa tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, vừa gắn với khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội nhưng không phải chỉ là chạy theo lợi nhuận, khai thác di tích bằng mọi giá, mà cần có chiến lược phát triển bền vững, tránh việc khai thác di tích một cách quá mức dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ tới hiện trạng và giá trị của các di tích…

Thực tế vẫn còn đó muôn vàn khó khăn, thách thức trong quá trình bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa hàng trăm, hàng ngàn năm trường tồn mãi mãi. Nhưng với trái tim của người dân Việt luôn hừng hực tinh thần tự tôn dân tộc, yêu nước nồng nàn thì công cuộc giữ gìn, lưu truyền quá khứ lịch sử vẻ vang, quyết tâm “Chấn hưng văn hóa” sẽ không khó để đi đến vạch đích của sự thành công; bảo đảm cho hậu thế luôn vững vàng phát triển.

Nhóm PV

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.