BÚA LIỀM VÀNG 2024

Những “hạt nhân” bảo vệ Đảng

Thứ Ba, 08/10/2024 | 14:54

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã trở thành nước độc lập, thống nhất, dân tộc được tự do, xây dựng đời sống hạnh phúc, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao. Đặt trọn niềm tin vào Đảng, qua các giai đoạn lịch sử cách mạng, cùng với cả dân tộc, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Bạc Liêu cũng luôn một lòng đi theo Đảng và bảo vệ Đảng.

Ông Trương Dù Chênh trao đổi với phóng viên Báo Bạc Liêu. Ảnh: N.Q

Lắng nghe để giữ xóm ấp bình yên

Ông Trương Dù Chênh (Trương Như Chung, ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) vừa được Trung ương tôn vinh tại chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II - năm 2024. Là người Hoa, ông Chênh từng đảm nhiệm vị trí Trưởng ấp nhiều năm, sau đó chuyên tâm cho hoạt động của Ban Trị sự Huyền Thiên Thượng Đế cổ miếu (thường gọi miếu Ông Bổn). Dù ở vai trò nào, người đàn ông 56 tuổi này cũng được cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương tin cậy, còn bản thân ông thì làm nhiều việc có ích cho cộng đồng.

Mỗi sáng ông có thói quen ghé quán nước trong xóm “làm” ly cà phê, từ đây, ông nắm được nhiều thông tin, vụ việc về an ninh, trật tự mới manh nha. Nghe bà con phản ánh có người lạ đến tuyên truyền về cái gọi là Hội thánh của Đức chúa trời mẹ, ông vừa nhấp ly nước, từ từ phân tích, vạch trần bản chất của tổ chức có nguồn gốc nước ngoài này đã xâm nhập vào nước ta và nhấn mạnh thực chất đây là một tổ chức tà đạo, hoạt động trái pháp luật và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa phương, trong đó có Bạc Liêu. Thấy bà con chú ý lắng nghe ngày một đông, ông khuyên: “Cha mẹ không thờ, thì thờ ai nữa. Không có cha mẹ, sao có mình!” - một điều mà tà đạo này kêu gọi chối bỏ.

Hay lần khác, có người nữ mặc trang phục nhà tu hành đến địa bàn lôi kéo người dân đi theo, nhưng “lời giảng giải” lại phân biệt giàu nghèo. Thấy vậy, ông Dù Chênh nhắc nhẹ bà con: “Coi bộ đạo đó không chính thông đâu mà nghe theo!”. Những lời nhắc nhở, khuyên lơn của ông Chênh đã góp phần giữ nếp nhà của bà con êm ấm, giúp cho xóm ấp được bình yên.

Tuyên truyền khéo léo, thuyết phục

Tương tự như xã Vĩnh Trạch Đông nơi ông Trương Dù Chênh ở, địa bàn xã Long Điền, huyện Đông Hải có đồng bào 3 dân tộc chính cùng nhau sinh sống là Kinh, Khmer và Hoa. Đồng bào Khmer ở Long Điền chiếm gần 15% dân số xã và sống tập trung nhiều ở các ấp: Rạch Rắn, Thạnh Trị, Thạnh An, và Đầu Lá. Đây cũng là nơi có đặc thù về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân còn khó khăn, trình độ không đồng đều, có thói quen và phong tục, tập quán đặc trưng.

Xuất phát từ những đặc điểm trên, thời gian qua, ông Châu Phát - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS, ngụ ấp Cây Giang A, xã Long Điền) đã cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chăm lo làm ăn, ưu tiên chuyện học hành của con cháu, tuân thủ pháp luật. Việc phổ biến, giải thích rộng rãi chủ trương của Đảng, quy định của địa phương hay chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân được ông Châu Phát thực hiện linh hoạt, có khi nhân lúc “trà dư, tửu hậu”, lúc khác là dịp họp mặt tại chùa, hay chỉ là cuộc trò chuyện thâm tình,…

“Mưa dầm thấm lâu”, sự chung tay của người đảng viên cao niên Châu Phát đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của đồng bào và chấp hành tốt hơn các quy định pháp luật, nhiều hộ đã hăng hái lao động, có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng cải thiện. Ông Trương Đức Trọng - Chủ tịch UBND xã Long Điền thông tin: Từ việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp hộ DTTS phát triển trên nhiều mặt, hạ tầng nông thôn chuyển biến tích cực, các hoạt động văn hóa, thể thao được đẩy mạnh.

Ông Châu Phát đại diện Đoàn Chủ tịch tặng quà cho thiếu nhi đến chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đông Hải năm 2024. Ảnh: N.Q

Ông Châu Phát bộc bạch: “Tôi có ưu thế truyền đạt thông tin dễ hiểu và thuyết phục do hiểu phong tục, tập quán và ngôn ngữ của đồng bào, được người dân tin tưởng, lắng nghe và làm theo. Ngoài ra, tôi và những người có uy tín khác cũng thường xuyên tổ chức và duy trì các lễ hội, phong tục, tập quán, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS, thúc đẩy sự hòa nhập và phát triển văn hóa Khmer trong bối cảnh hiện hiện nay”.

Gương sáng phum sóc

Ở huyện Hồng Dân, ông Danh Sa Rây (66 tuổi, ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi) nổi tiếng là một nông dân sản xuất giỏi, dạy dỗ con nên người. Với 4,3ha đất, ông thực hiện mô hình tôm - lúa kết hợp và thả xen một vài loài thủy sản khác, đồng thời tôi mở thêm tiệm tạp hoá, mua ô tô làm dịch vụ phục vụ xóm giềng. Cách làm kinh tế này đem lại thu nhập khoảng 1 tỷ đồng cho gia đình ông trong 5 năm qua. Song song đó, xác định giáo dục có vai trò hết sức quan trọng đối với các con ngay hôm nay và ngày sau, nên vợ chồng ông tạo điều kiện thuận lợi nhất cho 3 người con học hành và giờ đây cả 3 đều đạt trình độ đại học, có việc làm ổn định.

Những việc làm đó đã đưa ông Danh Sa Rây trở thành tấm gương cho các gia đình trong phum sóc noi theo, đời sống và trình độ dân trí của xã vùng sâu, vùng xa này không ngừng cải thiện, nâng cao. Trước cả khi UBND tỉnh có quyết định công nhận là người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, ông cũng đã là người được xóm làng, bà con hết lòng tin cậy.

Nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với gia đình và cộng đồng ngày càng lớn, bản thân ông càng gương mẫu, đi dầu, ra sức vận động mọi người góp sức xây dựng nông thôn mới, như: hiến đất làm đường, xây cầu giao thông, trồng hoa kiểng; cùng nhau xây dựng, thực hành hương ước, quy ước của địa phương, thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu. Đồng thời, ông cũng cố gắng giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tham gia cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Danh Sa Rây đã phối hợp quyết kịp thời những vướng mắc từ ấp, không để xảy ra điểm “nóng”.

Bảo vệ Đảng là bảo vệ mình

Câu chuyện bó đũa, hình ảnh lũy tre đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, mang tính biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, chung chí hướng. Mỗi người tùy theo sức của mình cùng lo việc nhà, cộng đồng, chuyện chung theo định hướng của Đảng, chính quyền địa phương thì đất nước sớm hưng thịnh.

Đó là việc hữu ích trong công cuộc bảo vệ Đảng, bởi bảo vệ Đảng đâu chỉ là những chuyện “đại sự”, cũng chẳng phải khoán trắng hoàn toàn cho các nhà lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, mà được năng nhặt từ những lời nói, hành vi, hành động của từng cá nhân, tập thể.

Bảo vệ Đảng cũng chính là giữ gìn cho cuộc sống của bản thân, gia đình, dòng họ, xóm làng mình, bởi suy cho cùng Đảng không có lợi ích nào khác ngoài mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân, non sông vững bền. Mỗi người đều có khả năng và hoàn toàn có thể trở thành “hạt nhân” bảo vệ Đảng!

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.