BÚA LIỀM VÀNG 2024
Tạo sức đề kháng trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Qua gần 40 năm, công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, thách thức cũng ngày càng rõ hơn, tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” từ trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên đang tạo mối nguy cơ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các thế lực thù địch lợi dụng chính những người trong cuộc để tác động, lôi kéo chống phá Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh ấy, xây dựng sức đề kháng trên mặt trận “nội xâm” để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng phải được xem là nhiệm vụ cấp bách!
Bài 1: GIÁO DỤC CÔNG DÂN TỪ TRƯỜNG HỌC
Để đào tạo cho đất nước một thế hệ công dân toàn diện, hoàn thiện những chuẩn mực để có thể đảm đương trọng trách gánh vác những nhiệm vụ mà Tổ quốc, dân tộc đòi hỏi thì vai trò đầu tiên thuộc về gia đình và nhà trường. Ở những chiếc nôi này, giáo dục đạo đức phải được đi cùng với giáo dục về kiến thức cùng năng lực, bản lĩnh đối đầu với khó khăn, thách thức cũng như đấu tranh với cái xấu.
Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) xếp hình bản đồ Việt Nam.
Phải “uốn măng” đúng lúc
C.N.Q.V là cái tên được “điểm” suốt trên khắp các diễn đàn mạng xã hội trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua. Nam sinh lớp 12 của một trường THPT Chuyên tại tỉnh Yên Bái đã đăng tải trên trang cá nhân của mình nội dung bày tỏ sự vô ơn của mình đối với đất nước, với quê hương. Từng tham gia và đoạt giải tại một vòng thi của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, bạn trẻ này mạnh dạn thừa nhận bản thân việc ôn và tham gia thi “chỉ để sống ở nước ngoài với mưu cầu lợi ích cá nhân”. Quá trăn trở khi ở một cuộc thi quy tụ những nhân tài trẻ như thế này, lại xuất hiện những người có suy nghĩ quay mặt với quê hương - nơi đáng ra họ phải trở về khi đã được bồi đắp nên thành công! Mà phát ngôn của C.N.Q.V như một giọt nước làm tràn ly...
Một lớp người trẻ với suy nghĩ lệch lạc, thậm chí là “hùng hồn” bày tỏ sự vô ơn, lãnh cảm với những điều thiêng liêng (như tinh thần yêu nước vốn là truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc), đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: phải mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực, hiệu quả hơn khi giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn, trách nhiệm và sự tôn trọng đối với quê hương, đất nước.
Bên cạnh những thanh niên ưu tú, tiếp bước truyền thống cha ông, sống với lý tưởng cao đẹp, biết tự hỏi “ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” để ra sức phấn đấu, rèn luyện để trở thành những nhân tài trên khắp các lĩnh vực, phải thừa nhận một thực tế là vẫn còn những thanh niên “trái cực” tồn tại trong môi trường giáo dục chất lượng cao. Đó là những người trẻ sống thiếu lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, lãng quên những hy sinh, chối bỏ truyền thống cách mạng của đất nước, mà phát biểu của bạn trẻ nêu trên là dẫn chứng. Mơ hồ về chính trị, còn nặng về lợi ích cá nhân, chưa kể một bộ phận nhỏ bị ảnh hưởng bởi những luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội, tiếp cận các phát ngôn mang tính chống phá, lại không có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức lịch sử và thực tế đúng đắn nên vội vàng chỉ trích, phê phán, thậm chí có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc.
Từ đó, việc “uốn măng” đúng lúc ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường là việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Các em học sinh dâng hương tưởng niệm, tri ân anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Ảnh: H.T
Định hướng sống đẹp cho công dân tương lai
Trong trường học phổ thông, nhiều học sinh (đôi khi cả giáo viên) chỉ xem Giáo dục công dân (GDCD) là môn học phụ. Thế nhưng, thực tế đây lại chính là những “lớp học chính trị” đầu đời của mỗi công dân tương lai. Từ những bài học về lối sống, đạo đức, các em được trao truyền tình cảm, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, hướng đến cách sống đẹp để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc mai sau.
Không quá xa vời, hay mang tính giáo điều, những nội dung: Tự hào về truyền thống quê hương; Quan tâm, cảm thông và sẻ chia; Học tập tự giác, tích cực; Bảo tồn di sản văn hóa; Phòng chống bạo lực học đường; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình... mang tính “uốn măng” thiết thực cho các em học sinh tuổi mới lớn! Đây là những nội dung sách giáo khoa môn GDCD lớp 7 đề cập. Một học sinh tự giác móc ống heo lấy tiền dành dụm của mình để hỗ trợ đồng bào bị bão lũ, đó chính là thực hành cho bài học “Quan tâm, cảm thông và sẻ chia”! Biết đồng cảm, sẻ chia cũng chính là biểu hiện sơ khai của lòng “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” - lời dạy đầu tiên trong 5 điều Bác Hồ dạy các em!
Mới đây, tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị tại trung tâm chính trị cấp huyện và trong hệ thống giáo dục quốc dân” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức, đi tìm giải pháp để môn GDCD trong trường học thực hiện đúng vai trò cũng đã được phân tích khá thấu đáo.
Từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, GDCD được phân thành các môn: Đạo đức (cấp tiểu học), GDCD (cấp THCS) và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (cấp THPT). Theo giáo viên giảng dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật của Trường THPT Chuyên Bạc Liêu - Vũ Công Dân thì: “Vẫn còn những bất cập chưa hoàn thiện từ chương trình đến sách giáo khoa, từ thực trạng đội ngũ giáo viên đến phương pháp giảng dạy, vì thế trách nhiệm của giáo viên giảng dạy môn này càng nặng nề hơn. Với vai trò, vị trí quan trọng của môn học này đối với những công dân tương lai, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên môn GDCD càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết”.
Cần nhìn nhận tầm quan trọng của môn GDCD đối với các công dân tương lai, hiểu đúng, hiểu đủ đây là môn học giáo dục một cách trực tiếp và toàn diện tư tưởng chính trị trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, trang bị những chuẩn mực đạo đức và pháp luật của xã hội cho học sinh để sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể thể hiện một cách tốt nhất tư cách công dân của mình; từ đó có những kế hoạch sát sao hơn trong công tác bồi dưỡng giáo viên, tạo cảm hứng cho học trò ở môn học mang tính “nhập môn chính trị” này.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Cốt nhất của nhà trường là dạy học cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Cách tốt nhất để bồi dưỡng lòng yêu nước cho thanh niên là giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng. Từ đó bồi đắp, củng cố cho thế hệ trẻ hiểu được giá trị lịch sử, giá trị của cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập, xây dựng cho mình hoài bão, khát vọng, ý chí, quyết tâm vượt lên khó khăn, thử thách; có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, sẵn sàng cống hiến và hy sinh vì lợi ích của quốc gia, dân tộc”.
Với âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để lôi kéo, lợi dụng để gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái đạo đức, lối sống ở thế hệ tương lai của đất nước. Những suy nghĩ lệch lạc như trên đề cập, phải sớm được uốn nắn kịp thời.
CẨM THÚY