BÚA LIỀM VÀNG 2024

Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ

Thứ Tư, 09/10/2024 | 20:36

>>> Bài 2: Cấp trên nóng lòng, cấp dưới từ từ!

Bài 3: Mạnh dạn “bốc thuốc” đặc trị

Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi đã nhận được ý kiến chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu liên quan đến bệnh “sợ trách nhiệm”. Đại biểu Huy Thái cho biết, ở góc độ của cơ quan lập pháp, vấn đề này đã được Quốc hội và các ĐBQH hết sức quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: QH

Khi Quốc hội bàn chuyện “sợ trách nhiệm”

Theo sự chia sẻ của Đại biểu Huy Thái, trong một phiên họp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, thậm chí tranh luận “nảy lửa” về thực trạng nhức nhối này. Các ĐBQH thẳng thắn chỉ ra, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai… Thực trạng này đã có từ trước, nhưng càng về sau này xuất hiện càng nhiều, nặng hơn, phức tạp hơn, lan rộng từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến khu vực tư. Các ĐBQH đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu ứng với mỗi nhóm CB, CC, VC. Theo đó, nhóm thứ nhất là nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Thứ hai là nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Có ĐBQH đặt vấn đề, không làm gì cả cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động, trong đó không hành động tức là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước giao cho, đồng nghĩa với vi phạm pháp luật, phải xử lý. Các ĐBQH cũng phân chia khái niệm “không làm gì” trong bệnh “sợ trách nhiệm” thành 3 nhóm là không biết làm gì nên không làm; không có lợi ích gì nên không làm và biết phải làm gì nhưng do sợ trách nhiệm nên không làm. Ở nhóm đầu là do năng lực cán bộ; nhóm thứ 2 do tiêu cực, chỉ khi phải có quyền lợi thì mới làm và nhóm thứ 3 chính là căn bệnh “sợ trách nhiệm” cần phải tìm cách “trị” dứt.

Không riêng gì Bạc Liêu, tình trạng sợ trách nhiệm xảy ra ở nhiều địa phương. Nơi nào để cán bộ không làm gì hoặc làm “cho có” nhiều thì địa phương đó, sở ngành đó chắc chắn sẽ không thể có những thành tích vượt trội. Và đáng quan ngại hơn là sự “không làm hết trách nhiệm” còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, sâu xa hơn là gây trì trệ sự phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền ở đó.

Ngày 21/5/2024, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị chuyên đề bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Bởi cho đến thời điểm này, Bạc Liêu vẫn chưa thể “xài” được một đồng vốn nào từ nguồn vốn 120 ngàn tỷ dành cho nhà ở xã hội mà Chính phủ phê duyệt cho các tỉnh. Với một địa phương mà điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn như Bạc Liêu thì việc sớm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ chừng nào là tăng hiệu quả, tăng cơ hội cho người dân, nhất là người có thu nhập thấp, công nhân… chừng đó.

Các bước cần thực hiện, ngành chức năng cho thấy đã làm xong. Sở Xây dựng còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn 1197 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan và đơn vị liên quan. Đồng thời, triển khai Kế hoạch 115 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Nói chung, văn bản hành chính về phân công, giao việc… đều đảm bảo, nhưng kết quả, chính là điều mà người dân và cả xã hội nhìn vào, thì vẫn chưa có gì. Vậy, trách nhiệm thuộc về sở ngành nào, đơn vị, địa phương nào? Không ít người dân - những người lẽ ra được thụ hưởng sớm từ chính sách về nhà ở của Đảng và Nhà nước – càng lo lắng hơn: liệu có khi nào đến khi các Sở, ngành thông qua đề án, thì cái gói 120 ngàn tỷ đó, các tỉnh khác đã giải ngân hết hay không? Trách nhiệm trước Nhà nước, trước Nhân dân trong trường hợp này, ai sẽ chịu?

Cán bộ dám nghĩ dám làm phải được bảo vệ

Một cán bộ cấp cơ sở (xã, phường) – giấu tên khi được phỏng vấn liên quan đến biểu hiện của bệnh “sợ trách nhiệm”, đã cho biết, chỉ khi nào các quy định pháp luật rõ ràng, A phải hiểu là A chứ không thể hiểu B cũng được mà C cũng được thì cán bộ cấp cơ sở sẽ mạnh dạn thực hiện theo luật, dễ dàng cho cán bộ khi xử lý tình huống thực tế. Còn khi một văn bản mà có nhiều cách hiểu khác thì thực thi công vụ đúng hay sai pháp luật chỉ như một sợi chỉ mành!

Đó cũng là vấn đề mà Trung ương nhìn thấy, cấp tỉnh nhìn thấy, nhưng việc giải quyết không đơn giản. Rõ ràng, tâm lý chờ ban hành Luật, có Luật thì chờ tiếp Nghị định của Chính phủ, có Nghị định lại chờ tiếp Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành là phổ biến, dù nhiều quy định, đã rất cụ thể trong Luật. Chính tâm lý này cũng thể hiện trạng thái “sợ trách nhiệm” của cán bộ quản lý, thực thi nhiệm vụ: Không mạnh dạn, không quyết đoán, từ đó triệt tiêu tính năng động, sáng tạo…

Để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”. Vấn đề đặt ra là, đến nay Kết luận 14 chỉ mới dừng lại ở chủ trương, chưa được thể chế hóa thành quy định của pháp luật, nên việc thực hiện trong thực tế đối với cán bộ, công chức (nhất là những người chưa phải là đảng viên) còn gặp nhiều khó khăn. 

Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022), một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm để tạo đột phá tăng trưởng cho đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ luật mới về nội dung này sẽ mất nhiều thời gian, trong khi yêu cầu đặt ra từ thực tiễn đang đòi hỏi phải có quy định mới để đưa chủ trương của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống. 

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 280 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương do thực tế ở một số bộ, ngành, địa phương xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám xử lý công việc, đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…

Ngày 29/9/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định có nhiều điểm mới thể hiện tính đồng bộ, liên thông với các quy định của Đảng; là cơ sở để góp phần đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm” đang diễn ra ở một số cán bộ, công chức hiện nay.

Những hành lang pháp luật ban đầu đã hình thành, việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cần nhanh chóng được triển khai thực hiện. Bởi đó cũng chính là liều thuốc đặc trị cho căn bệnh “sợ trách nhiệm” hiện nay.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.