BÚA LIỀM VÀNG 2024
Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
>>> Bài 3: Mạnh dạn “bốc thuốc” đặc trị
Bài 4: Căn bệnh “sợ trách nhiệm” sẽ sớm bị loại trừ
Phải khẳng định rằng, trong bộ máy công vụ ở các cấp, luôn có những người tài, có bản lĩnh, có tâm, có tầm và có trách nhiệm. Họ là những cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) ở nhiều cương vị khác nhau đang ngày đêm miệt mài phục vụ Nhân dân, góp sức đưa đất nước ngày càng phát triển và có được vị thế như ngày hôm nay. Với họ, câu chuyện về bệnh “sợ trách nhiệm” không có chỗ để tồn tại!
Tại diễn đàn "Người trẻ và trách nhiệm với đất nước" do Trung ương Đoàn và NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức vào ngày 27/12/2023 với chủ đề "Thanh niên với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", anh Vũ Gia Luyện - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ Mobifone, cho rằng không có một ai hoàn hảo cả. "Những người thành công hôm nay là những người đã từng phạm nhiều sai lầm trong quá khứ. Nhưng họ dám chịu trách nhiệm, dám dũng cảm đối mặt với sai lầm để trưởng thành hơn, để tiếp tục tìm kiếm những thách thức mới, cũng là những cơ hội mới của cuộc đời”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều phát biểu chỉ đạo hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2023. Ảnh : KP
Nghiêm cấm việc “để ý” doanh nghiệp phản ánh nhiều
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, ông Lê Chí Tôn cho biết cảm nhận của ông cũng như các doanh nghiệp khác nhận thấy, thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu (Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh) rất quyết tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong các lĩnh vực như cải cách thủ tục hành chính (TTHC); hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, phát triển kinh tế tại địa phương. Thể hiện rõ nét nhất là thái độ của CB, CC, VC trong thực thi công vụ, trong giải quyết TTHC có nhiều chuyển biến tích cực, cầu thị hơn, nhiệt tình hơn, hạn chế tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu. Vấn đề nào Tỉnh ủy, UBND tỉnh xét thấy cần hỗ trợ cho doanh nghiệp là chỉ đạo ngay không chậm trễ.
Tuy nhiên, ngược với mong muốn, thái độ kiên quyết của lãnh đạo tỉnh là sự thờ ơ, né tránh của không ít đơn vị, sở ngành trực thuộc UBND tỉnh trong giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư đất đai, nhiều doanh nghiệp có chung cảm nhận, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang lúng túng và cả sợ hãi. Nhất là ở thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi mà Luật đất đai 2024 mới có hiệu lực, họ không biết thực hiện như thế nào để không phải gánh trách nhiệm. Cho nên có những vấn đề Luật đã giao quyền cho tỉnh, hoặc quy định rõ nhưng các đơn vị vẫn cố tình trì hoãn, chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn, hoặc kéo dài để xin ý kiến Bộ, ngành... Những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp cần hướng dẫn, giải quyết, thì các cơ quan này chỉ trả lời 50/50, khiến doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó thu hút được các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đầu tư.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cho biết, hiện nay, với sự quyết liệt của tỉnh, tình hình đã đỡ "lạnh" hơn nên chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) của tỉnh mới tốt, thuộc nhóm đứng đầu cả nước, vì đây là chỉ số do người dân đánh giá. "Đa số người dân đồng tình việc chính quyền đang triển khai thực hiện, họ mới đánh giá chỉ số PAPI trong tốp đầu cả nước”.
Tại các buổi gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh mong doanh nghiệp cứ tiếp tục phản ánh thẳng thắn, đừng sợ bị trù dập. Đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp cứ “nói thẳng, nói thật, mạnh dạn đừng có sợ cơ quan nhà nước trù dập”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “doanh nghiệp nào phản ánh nhiều thì bị để ý là không được, nghiêm cấm vấn đề này”. Quan điểm của tỉnh là luôn lắng nghe, cầu thị, nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, giải quyết nhanh trách nhiệm thuộc về mình. Các TTHC liên quan đến doanh nghiệp, người dân khi gửi tới cơ quan nhà nước nào thì cơ quan đó phải làm nhanh, trả lời cho dân, cho doanh nghiệp, trường hợp vượt thẩm quyền thì xin ý kiến UBND tỉnh để cho ý kiến thực hiện.
Cán bộ, công chức, viên chức sợ sai không xấu
Cán bộ, công chức khi thực thi công vụ sợ sai cũng là điều bình thường. Sợ sai để có trách nhiệm hơn, để cẩn trọng khi thực thi công vụ; để nghiên cứu, tìm tòi cách thức làm cho chính xác lại là điều nên có. Chỉ khi sợ sai trở thành sợ trách nhiệm thì đây lại là dạng biểu hiện cần bài trừ, đấu tranh loại bỏ. Vấn đề là làm sao để xác định được những đối tượng cán bộ, công chức nào mắc phải căn bệnh “sợ trách nhiệm” để xử lý.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái, để khắc phục tình trạng này, nên chăng trước hết Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật – trong đó đặc biệt lưu ý đến các qui định liên quan đến CB, CC, VC hướng đến tính thống nhất, đồng bộ; khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, “vênh” nhau; tạo tiền đề khuyến khích những CB, CC, VC năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám nói… vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung. Song song đó, quyết liệt duy trì xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực; đi đôi với phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Huy Thái, người CB, CC, VC muốn làm đúng trước tiên phải có năng lực. Phải nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các qui định của pháp luật có liên quan. Kế tiếp là phải gắn tinh thần trách nhiệm vào các hoạt động công vụ, có như vậy mới có thể phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp; những vấn đề, những việc phải tránh, phải sửa, phải điều chỉnh; từ đó đưa ra các giải pháp, sáng kiến trong phạm vi, lĩnh vực công việc mình phụ trách. Những giải pháp, sáng kiến đó, có thể pháp luật chưa điều chỉnh kịp, nhưng có lợi cho Nhân dân, nếu chúng ta tuân thủ các nguyên tắc: Không trái với các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp; không vi phạm pháp luật; phù hợp với tình hình thực tế hoặc xu hướng phát triển; mang lại lợi ích cho Nhân dân, Nhà nước, tập thể; không ảnh hưởng bất lợi đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì cứ mạnh dạn đề xuất hoặc thực thi. Đó mới là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức.
Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí cũng là một hình thức công khai, minh bạch, không né tránh trách nhiệm. Ảnh: KP
Thay lời kết
Để kết lại loạt bài này, xin được tóm tắt ý kiến nhận xét của nhiều người, có vị đang là cán bộ, công chức; có người là cán bộ hưu trí, và rất nhiều người dân khi đánh giá về tình hình của cán bộ, công chức hiện nay tại Bạc Liêu: Đã và đang có rất nhiều người hết sức tâm huyết trong bộ máy công vụ. Với các công việc khác nhau, bằng ý thức và trách nhiệm, họ luôn làm việc hết mình. Ở những cán bộ, công chức này, niềm tự hào không phải là việc mình đang đứng ở vị trí nào, giữ trọng trách gì mà ở việc bản thân đã làm được những gì có ích cho người dân, đơn vị và địa phương. Họ đặt lòng tự trọng, liêm sỉ của con người lên trên; thực thi công vụ đúng với bổn phận, chức trách của mình, xứng đáng với những gì mà Đảng, Nhà nước giao phó. Đáng mừng hơn, đây vẫn là lực lượng chính, đông đảo trong bộ máy nhà nước. Cho nên, với quyết tâm chính trị cao; cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, hữu hiệu; sự vào cuộc của tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội, thiết nghĩ, những hiện tượng, biểu hiện lệch lạc của cán bộ, Đảng viên như căn bệnh “sợ trách nhiệm” sẽ sớm bị loại trừ.
Kim Phượng