BÚA LIỀM VÀNG 2024

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ học tập và làm theo gương Bác

Thứ Sáu, 16/08/2024 | 16:53

Bài 2: Những mô hình hay, cách làm sáng tạo

>>Bài 1: Bài học kinh nghiệm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, là yếu tố quyết định đưa đất nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Học tập, kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, các dân tộc ở Bạc Liêu đã đồng lòng xây dựng nên những mô hình, cách làm hay để gắn kết đồng bào lại với nhau thành một thể thống nhất.

CHỌN VĂN HÓA LÀM “CHẤT KEO”

Muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì yêu cầu đầu tiên là phải quy tụ được đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động, phong trào mang tính cộng đồng. Do vậy, rất cần những “chất keo” kết dính bền chặt để gắn kết đồng bào lại với nhau. Ông Trần Văn Hùng - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở Phường 3 (TP. Bạc Liêu) được xem là một trong những điển hình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để quy tụ đồng bào ở Bạc Liêu hiện nay.

Với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình là Hội trưởng chùa Bang (Phước Đức Cổ Miếu), Phó Hội trưởng chùa Vĩnh Phước Tự, Hội trưởng họ Trần và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường hoa văn Tân Huê, ông Hùng đứng ra tổ chức nhiều lễ hội văn hóa dân gian của cộng đồng người Hoa, không chỉ thu hút đông đảo người Hoa, mà còn thu hút nhiều đồng bào dân tộc khác và cả khách du lịch tham gia như: lễ hội Nguyên tiêu, tết Thanh minh, lễ Vu lan, lễ Tạ thần, lễ Tế thiên… Đặc biệt, bản thân ông còn vận động người thân đóng góp hàng trăm triệu đồng cho công tác an sinh xã hội và tổ chức hát triều kịch để bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Ông Trần Văn Hùng (giữa) nhận tuyên dương và kỷ niệm chương của Đoàn triều kịch Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh).

Ông Trần Văn Hùng chia sẻ: “Muốn đồng bào gắn kết với nhau thì phải giữ cho được văn hóa truyền thống. Bởi văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại. Đó là những tài sản và vốn quý do ông cha để lại, mặt khác phải có mô hình hay để thu hút đồng bào cùng tham gia. Trong đó, lễ hội dân gian là một trong những hình thức rất dễ thu hút đồng bào, vì nó liên quan đến nhận thức, tình cảm và cả trách nhiệm đối với cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Đối với Thượng tọa Lý Quang Long - Trụ trì chùa Soryaram ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), nơi có trên 90% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống - lại “thích làm du lịch” từ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi làm du lịch cũng là một trong những cách để bảo tồn văn hóa truyền thống và gắn kết đồng bào lại với nhau. Cùng với khai thác giá trị về kiến trúc của ngôi chùa, Thượng tọa Lý Quang Long còn mong muốn khai thác các giá trị văn hóa khác của đồng bào dân tộc Khmer phục vụ phát triển du lịch của địa phương với mô hình du lịch homestay gắn với những phiên chợ quê vào cuối tuần. Ở đó, du khách được thưởng thức bánh dân gian và các món ngon của đồng bào dân tộc, hoặc say nồng với điệu múa Răm-vông, Lăm-leo, sự uyển chuyển của các tiên nữ Saravan cùng với nhạc ngũ âm réo rắt… Với cách làm này, nơi đây không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa, tham quan du lịch của cộng đồng, mà còn hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn mang bản sắc độc đáo riêng. Và mục đích cuối cùng của làm du lịch, dịch vụ theo cách của Thượng tọa Lý Quang Long là giúp đồng bào dân tộc tăng thu nhập, giảm nghèo và góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Tất cả những ý tưởng, cách làm hay ấy đều bắt nguồn từ việc học tập và làm theo gương Bác về chăm lo cho dân và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

LAN TỎA LÀM THEO GƯƠNG BÁC

Một điều đáng ghi nhận là việc đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã tạo nên sức lan tỏa lớn. Qua đó, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của người dân trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và phát huy được tính xung kích, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ. Trong đó, chị Sơn Thị Hồng Sen (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) được xem là một điển hình. “Học Bác về tinh thần lao động sáng tạo và quyết tâm giảm nghèo, hướng đến chăm lo cho đồng bào đã trở thành một phong trào thi đua rộng khắp của ấp và ai cũng có mong muốn làm giàu trên chính quê hương của mình, không riêng gì tôi”, Hồng Sen bộc bạch. Theo Hồng Sen, ấp Cái Giá - nơi chị sinh sống - có đến 98% là người dân tộc Khmer và kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Chị Sơn Thị Hồng Sen (thứ 3 từ trái sang) với mô hình “Vườn cây sinh kế” thu hút nhiều thanh niên tham quan. Ảnh: K.T

Với khát vọng làm giàu và phá thế độc canh từ cây lúa, chị đã cùng gia đình mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng ổi Đài Loan theo hướng an toàn và trồng thử nghiệm khoảng 300 cây/3.000m2. Sau một năm trồng, ổi cho trái nhiều với lợi nhuận mang lại khoảng 90 triệu đồng/năm và trở thành điểm tham quan của nhiều du khách. Đến nay, trái ổi của gia đình chị đã có thương hiệu riêng và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Hiện sản phẩm này đang hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP để phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái và được Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn làm mô hình “Vườn cây sinh kế” thích ứng với biến đổi khí hậu cho thanh niên và nông dân của xã tham quan học tập. Phó Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Lợi - Ngô Quốc Quận nhận xét: “Mô hình trồng ổi của chị Sơn Thị Hồng Sen đã thật sự truyền cảm hứng, khát vọng và tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên - thanh niên của huyện. Chị Sen là một tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo gương Bác, rất năng động, sáng tạo và dám đột phá”.

Cùng với Hồng Sen, nhiều thanh niên người dân tộc Khmer khác cũng học tập và làm theo Bác trong việc hướng đến lý tưởng sống đẹp và không ngừng cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương. Điển hình là anh Trần Thanh Toàn (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) được Đảng ủy xã bầu chọn làm người có uy tín trong cộng đồng khi anh tham gia thành lập Tổ an ninh trật tự trong thanh niên đồng bào dân tộc Khmer của xã. Thanh Toàn chia sẻ: “Mục đích của việc thành lập Tổ an ninh trật tự, ngoài phát huy vai trò của tuổi trẻ trong bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự của xã, đây còn là nơi tập hợp thanh niên lại với nhau, nhằm giáo dục thanh niên sống đẹp, không vướng vào các tệ nạn xã hội, không bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo. Hơn hết, vào đây các bạn còn được Đảng ủy xã cho tham gia các buổi sinh hoạt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, không ngừng học tập, phấn đấu và rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội”. Được biết, ngoài vận động thanh niên sống đẹp, anh Toàn còn tham gia giới thiệu việc làm cho thanh niên và giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào của mình giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương.

Có thể nói, những mô hình và cách làm hay nêu trên đã gắn kết đồng bào dân tộc lại với nhau; tình làng, nghĩa xóm và tính cộng đồng không ngừng được phát huy. Sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc chính là bức tường thành vững chắc, chủ động chống lại các âm mưu chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tạo nên sức mạnh tổng hợp đập tan các thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.