BÚA LIỀM VÀNG 2024
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ học tập và làm theo gương Bác
Bài cuối: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại
>>Bài 1: Bài học kinh nghiệm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
>>Bài 2: Những mô hình hay, cách làm sáng tạo
Những mô hình, cách làm hay của đồng bào các dân tộc trong học tập và làm theo gương Bác, càng chứng minh sinh động thêm tư tưởng bất hủ của Người “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.
Tư tưởng này đã tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng phát huy “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) kết hợp với sức mạnh thời đại”.
HÌNH THÀNH MỘT CỘNG ĐỒNG GẮN BÓ, THỐNG NHẤT
Tư tưởng của Bác về đại đoàn kết dân tộc chính là hình thành một cộng đồng với các thành viên phải gắn bó và thống nhất về lý tưởng và vì mục tiêu chung. Sự thống nhất ấy được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tạo nên sức mạnh to lớn và quyết định mọi thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Quán triệt tư tưởng này, gắn với các mô hình hay trong học tập và làm theo Bác trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bạc Liêu, cũng rút ra và bổ sung thêm những lý luận trong việc phát huy mạnh mẽ hơn nữa tư tưởng của Người. Một trong những cơ sở lý luận được rút ra từ thực tiễn là muốn tập hợp đồng bào lại với nhau nhằm tạo điều kiện cho việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và kịp thời lắng nghe các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào thì phải tranh thủ, phát huy cho được những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc. Đó là những người do cộng đồng bầu chọn, đề cử và được tôn vinh. Bài học thành công này đã được rút ra ở nhiều địa phương. Bởi theo Bác, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Nói về vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, bà Ngô Yến Nhiên - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), chia sẻ: “Ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, khi gặp khó khăn thì chỉ cần có sự giúp đỡ và hỗ trợ của hòa thượng trụ trì là mọi việc đều được giải quyết tốt. Như việc giải phóng mặt bằng để thi công điện gió và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao…, Hòa thượng Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán đều tích cực tham gia và với sự tham gia của Hòa thượng, đồng bào đều đồng thuận thi đua làm theo”.
Đồng bào Khmer rước ảnh Bác trong lễ hội Oóc-om-bóc ở chùa Đìa Muồng (huyện Phước Long). Ảnh: K.T
Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu khác và bổ sung thêm lý luận trong việc tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách, hay học tập và làm theo gương Bác ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là nên tổ chức các sự kiện này ở chùa hoặc các nơi thờ tự của đồng bào. Đối với đồng bào dân tộc Khmer và nơi thờ tự (miếu) của cộng đồng người Hoa thì chùa hay miếu chính là trung tâm kết nối cộng đồng, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống và gắn bó với họ từ khi ra đời cho đến khi mất đi cũng đem vào chùa thờ phụng. Do vậy, việc khai thác và phát huy giá trị của các nơi thờ tự này để gắn kết đồng bào phải được quan tâm trùng tu, tôn tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của đồng bào. Và quan trọng hơn cả, đây cũng chính là nơi đồng bào gửi gắm khát vọng, mưu cầu hạnh phúc và cũng là “ngôi trường” đầu tiên của đồng bào trong giáo dục truyền thống, đạo lý, các quy chuẩn đạo đức, ứng xử với cộng đồng và cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào… Bài học này đã được nhiều địa phương áp dụng trong tuyên truyền chính sách, phát động các phong trào thi đua (thay vì tổ chức ở các nhà văn hóa ấp thì được tổ chức ở chùa).
CẦN TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC “CẦU ĐỒNG, TỒN DỊ”
Để phát huy hơn nữa tư tưởng của Bác và xây dựng vững chắc khối ĐĐKTDT, cần tuân thủ nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị”. “Cầu đồng”, tức là phải tìm ra cái “đồng” mà các bên chia sẻ và lấy đó làm điểm quy tụ để đại đoàn kết. Một trong những cái “đồng” trong tư tưởng của Bác chính là lòng yêu quê hương, đất nước và ai cũng có tình yêu mãnh liệt này. Trong giai đoạn hiện nay, nếu cái “đồng” được phát huy tốt thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng thi đua các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tất cả đều chung một mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi rời Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Bác đã viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”.
Từ lời dặn dò của Bác cho thấy, “tồn dị” - tức là phải chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt, nhưng không tổn hại đến cái chung. “Tồn dị” trong tư tưởng của Bác chính là thể hiện sự yêu thương, tinh thần khoan dung, độ lượng và chỉ có tinh thần ấy mới xây dựng được đại đoàn kết. Đây là một triết lý rất sâu sắc về đại đoàn kết và chính sự khoan dung, độ lượng này đã mở ra nhiều cơ hội cho những người lầm đường, lạc lối khi bị các thế lực thù địch lôi kéo nhưng biết quay về và họ được Đảng, Nhà nước và đồng bào tha thứ, đón họ trong tình yêu thương, bác ái.
Phát huy sức mạnh ĐĐKTDT và quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam càng chứng minh tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc làm này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác trong đồng bào. Hòa thượng Lý Sa Muôth - Trụ trì chùa Đìa Muồng (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), khẳng định: “Đối với đồng bào dân tộc, Bác không chỉ là bậc thánh nhân, vị lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, mà còn là một vị Bồ tát. Nếu hạnh nguyện của các vị Bồ tát là mọi người đều được hạnh phúc, thì ước mơ và ham muốn của Bác chính là ai cũng có cơm no, áo ấm và ai cũng được học hành. Vì vậy, đồng bào dân tộc sẽ tiếp tục thi đua học tập và làm theo gương Bác”.
KIM TRUNG