Cải cách hành chính
Cải cách hành chính để kinh tế phát triển
“Muốn phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thì phải cải cách hành chính (CCHC). CCHC để KT-XH phát triển” là ý kiến được nêu tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ (gọi tắt là Ban chỉ đạo) diễn ra ngày 8/2/2018. Ý kiến này phản ánh rõ nhu cầu cấp thiết tiếp tục đẩy mạnh CCHC để tạo lực đẩy kinh tế phát triển tốt hơn.
Toàn cảnh hội nghị.
Người dân đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa. Ảnh: T.L
Cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực
Năm 2017, nước ta có rất nhiều nỗ lực và việc làm cụ thể ở các cấp chính quyền để CCHC với nhận thức rất rõ ràng: Chỉ có CCHC một cách liên tục để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành phù hợp nhất với tình hình và nhu cầu của thực tiễn mới phá bỏ được những rào cản của sự phát triển.
Hành động mạnh mẽ nhất trong CCHC năm 2017 là từ Bộ Công thương khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định ban hành phương án cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Công thương. Đây được coi là sự cắt giảm có quy mô lớn nhất, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng hơn rất nhiều trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ này.
Với quyết tâm của Chính phủ, năm 2017 chứng kiến sự cắt giảm rất mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan Nhà nước. Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118/345 điều kiện đầu tư kinh doanh; Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực đòi nợ; Bộ TN-MT đề xuất bãi bỏ một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sửa đổi 76/163 điều kiện đầu tư, kinh doanh; Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất bãi bỏ 41,3% và đơn giản hóa 43,7% tổng số điều kiện kinh doanh…
Trong ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ngoài Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ, 17 bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tổng số 549 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 377 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 58/63 tỉnh, thành phố đang cung cấp tổng số 13.830 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Tác động trực tiếp tới sự phát triển KT-XH
Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Trọng Thừa khi trình bày báo cáo của Ban chỉ đạo nêu rõ: Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và được người dân, DN, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cụ thể, năm 2017 đã có gần 127.000 DN thành lập mới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cao nhất trong 10 năm qua, đạt khoảng 17,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp vị trí thứ 68/190 quốc gia và nằm trong nhóm dẫn đầu các nước ASEAN. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Việt Nam tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 12 bậc.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam - Nguyễn Thị Minh chia sẻ: Với khoảng 80 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, 16 triệu người tham gia BHXH cùng số lượng rất lớn DN, cơ sở y tế và các cơ quan, đơn vị trên cả nước được BHXH Việt Nam phục vụ đặt ra yêu cầu cấp thiết phải CCHC. Với “một núi công việc” như vậy, trước đây, cán bộ của BHXH Việt Nam phải làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, có người phải xin ra khỏi ngành vì không chịu được áp lực công việc. Sau nỗ lực cải cách, sức lao động được giải phóng rất nhiều. Đặc biệt, CCHC giúp thời gian nộp BHXH ở Việt Nam xếp thứ 86/190 quốc gia, xếp thứ tư trong khối ASEAN, trong khi mục tiêu Chính phủ giao là đạt ASEAN-6. Đáng kể nhất là nhờ kết nối liên thông tại 13.000 cơ sở y tế, ngành BHXH đã tiết kiệm khoảng 14.000 tỷ đồng.
Sức ỳ vẫn còn lớn
Tuy năm 2017 là năm có nhiều thành tích vượt trội trong lĩnh vực CCHC, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn những hạn chế, tồn tại đặt ra nhiều việc phải tiếp tục triển khai quyết liệt hơn trong năm 2018 để CCHC thật sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, sự trông đợi của người dân, DN, tạo đà mạnh mẽ nhất thúc đẩy KT-XH phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đã chỉ rõ những tồn tại trong công tác CCHC, như việc triển khai nhiều nội dung cải cách chưa quyết liệt, đồng bộ; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực còn hạn chế; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, DN; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả; việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra; triển khai xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm, kết quả còn hạn chế; ý thức phục vụ người dân theo tinh thần công bộc của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp trong thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn, còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên chuyển dưới chưa chuyển” và một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức, trở thành lực cản lớn đối với công cuộc cải cách.
Thực tiễn cuộc sống luôn thay đổi, do vậy, CCHC để phục vụ tốt hơn hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ người dân, DN là yêu cầu đặt ra thường xuyên, liên tục. Bất cứ sự lơ là nào trong công tác CCHC ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu cũng có thể kéo tụt sự phát triển của KT-XH đất nước. Bởi vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải luôn chú tâm đến công tác này. Trước mắt, cần tập trung thực hiện hiệu quả 79 nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch CCHC năm 2018; từng thành viên Ban chỉ đạo sát sao đôn đốc, kiểm tra để hoàn thành nhiệm vụ của bộ, ngành, bảo đảm đạt hoặc vượt mức mục tiêu đề ra.
Theo QĐND
- Giao ban tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh tháng 10/2024
- Lắng nghe lời khuyên từ thầy Phạm Minh Khoa về việc: Nên chọn thi IELTS học thuật hay tổng quát
- Bạc Liêu hưởng ứng cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”
- Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cho hội viên phụ nữ
- Hàn gió đá bất cẩn làm cháy sà lan bơm cát