Cải cách hành chính
Cải cách hành chính: Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong rất nhiều thành tựu đạt được, lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) cũng có nhiều kết quả ấn tượng. CCHC, trong đó có cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đã tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính năm 2017. Ảnh: H.T
Từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV, trong đó có những chủ trương liên quan đến CCHC. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành nhiều giải pháp để chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ này. Kết hợp với sự giám sát của các cơ quan mặt trận, đoàn thể, sự đoàn kết và nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như các tầng lớp nhân dân trong lao động, sản xuất đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Những thành tựu
Kết quả thực hiện CCHC đã có những đóng góp tích cực đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mức độ thu hút đầu tư của tỉnh cao hơn những năm trước, môi trường sản xuất - kinh doanh được cải thiện, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp tăng hơn 30% so với năm 2016, thực hiện thu ngân sách hàng năm đều vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Việc đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai thực hiện dự án.
Một trong các chỉ số mà Bạc Liêu đã “lội ngược dòng” ngoạn mục chính là chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Qua các dữ liệu được công bố cho thấy, trong 6 năm (từ 2011 - 2016), kết quả chỉ số PAPI của Bạc Liêu có mức độ cải thiện thấp, không đồng đều và chưa bền vững (năm 2012 xếp thứ 55/63; năm 2013 xếp thứ 42/63, năm 2014 xếp thứ 38/63; năm 2015 xếp thứ 38/63; năm 2016 xếp thứ 60/63) nằm trong nhóm trung bình thấp và nhóm thấp nhất. Năm 2017, kết quả công bố chỉ số PAPI, Bạc Liêu xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, nằm trong tốp đầu bảng. Kết quả trên chính là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả tỉnh.
Năm 2017, chỉ số CCHC của tỉnh được Bộ Nội vụ xác định dựa trên kết quả điểm đánh giá của hai nhóm tiêu chí: đánh giá kết quả thực hiện CCHC và đánh giá tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đánh giá, Bạc Liêu nằm trong nhóm các tỉnh được xếp loại khá có chỉ số đạt trên 70%, hạng thứ 36 với số điểm 76,89 (trong đó điểm thẩm định là 47,79, tăng 7,04 điểm; điểm điều tra xã hội học là 29,1, tăng 0,5 điểm), so sánh với năm 2016, số điểm cao hơn là 5,77 điểm, hạng xếp loại tăng 9 hạng (từ hạng 45 tăng lên hạng 36).
Các chỉ số thành phần được cải thiện, góp phần giúp Bạc Liêu tăng hạng vượt bậc so với các năm trước đó, có thể điển hình như chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính tăng 29 bậc. Nguyên nhân là do công tác cập nhật, công bố thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, việc công khai thủ tục hành chính của các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị tương đối đầy đủ, cơ chế một cửa, một cửa liên thông từng bước hoàn thiện, chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn giảm so với trước. Hay như chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng có nhiều cải thiện, xếp thứ 11 trong cả nước, tăng 29 bậc. Kết quả này là do tỉnh xây dựng và ban hành khung năng lực cho từng vị trí việc làm, quy trình tuyển dụng công chức, bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cấp sở và tương đương thực hiện đúng quy định, trình độ công chức, viên chức từng bước được nâng lên, nhất là ở cấp xã.
Trung tâm Hành chính công TP. Bạc Liêu giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2017, Bộ Nội vụ đã gắn kết bộ chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SiPAS) và kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội là minh chứng mang tính chất tổng hợp để đánh giá tác động của CCHC. Từ những kết quả trên đã giúp cho chỉ số SiPAS của Bạc Liêu đạt 89,66%, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm 31 tỉnh, thành phố đạt điểm tối đa (12 điểm) có mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi đánh giá về sự phục vụ đạt từ 80% trở lên.
Ở góc độ phát triển kinh tế - xã hội, sự ảnh hưởng của CCHC thể hiện ở mức độ thu hút đầu tư của tỉnh, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp và thực hiện thu ngân sách hàng năm. Điểm tối đa được quy định là 3,5 điểm, Bạc Liêu đạt 3 điểm. Trong đó, điểm thu hút đầu tư của tỉnh đạt tối đa, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm tăng 30% trở lên, thực hiện thu ngân sách trong năm vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Điển hình như tại Sở KH-ĐT, xác định cải cách TTHC là khâu đột phá, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, sở liên tục cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp tục rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, tạo môi trường thân thiện, gần gũi, không ngừng tìm tòi những giải pháp, sáng kiến để thuận tiện trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Sở cũng xây dựng và đưa vào thực hiện đề án hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp tại nhà, tạo bước đột phá về cải cách TTHC, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp ở tại nhà vẫn làm được thủ tục đăng ký.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, theo tinh thần thực hiện đạt các nhiệm vụ, chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, với 5 trụ cột để tập trung phát triển, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa CCHC, cải cách TTHC. Cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục đầu tư theo hướng nhanh gọn, minh bạch, công khai. Đưa các trung tâm hành chính công cấp tỉnh và huyện vào hoạt động có hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC. Ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DDCI) và tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra nhằm duy trì và nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh.
Kim Phượng
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong