Cải cách hành chính
Cải cách thủ tục hành chính: Quyết sách để làm hài lòng dân
Cải cách hành chính (CCHC) luôn là vấn đề nóng trong đời sống xã hội. Những năm qua, CCHC được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, địa phương quyết tâm thực hiện. Đây được xem là quyết sách làm hài lòng dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có sự đồng tình ủng hộ của dân.
Bài 1: Chuyện cải cách vẫn còn… ngổn ngang
Thời gian qua, với quyết tâm đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND tỉnh đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo trên tất cả các nội dung: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) và hiện đại hóa nền hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: bộ thủ tục hành chính (TTHC) các cấp vẫn còn cồng kềnh, chuyện CCHC vẫn còn… ngổn ngang, bất cập.
Người dân vẫn than phiền về thủ tục đất đai
Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2017, các sở, ngành, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết trên 1,46 triệu hồ sơ trên các lĩnh vực. Hầu hết các thủ tục đều được hoàn trả cho tổ chức, cá nhân đúng hẹn; còn lại gần 900 hồ sơ quá hạn, chủ yếu đều thuộc lĩnh vực đất đai. Qua điều tra ngẫu nhiên về chỉ số PCI thì chỉ số chi phí thời gian của tỉnh bị giảm liên tục trong 2 năm (2015, 2016) vì nguyên nhân: doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục, cũng chủ yếu là đất đai.
Mới đây, tại buổi giám sát ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), ông Lê Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: “Mặc dù ngành đã cố gắng trong việc rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai, đặc biệt là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), song nhiều người dân vẫn còn than phiền. Nhiều người dân vẫn còn bức xúc khi đi làm thủ tục đất đai vì ở một số nơi, cán bộ vẫn chưa làm hết trách nhiệm”. Đơn cử, trong các buổi tiếp xúc chuyên đề của HĐND tỉnh vừa qua về công tác CCHC, nâng cao chỉ số PAPI ở các địa phương thì hầu hết các cử tri đều bức xúc kiến nghị các vấn đề thuộc lĩnh vực đất đai. Chỉ trong một tiếng đồng hồ tiếp xúc với cử tri thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) đã có hơn 10 ý kiến về vấn đề đất đai. Ông Lê Văn Thanh (ngụ ấp 4, thị trấn Gành Hào) bức xúc vì từ năm 1997 đến nay, mảnh đất ông được địa phương cấp sau cơn bão số 5 vẫn chưa thể làm được Giấy CNQSDĐ; còn ông Ngô Văn Hưng (ngụ cùng ấp) thì ngán ngẩm trước sự tắc trách của cán bộ ngành TN-MT trong việc cấp sai Giấy CNQSDĐ, bởi trên “sổ đỏ” của ông chỉ thể hiện phần đất thổ cư, thiếu hẳn phần đất vườn tạp, trồng cây lâu năm… Ông Hưng cho rằng, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, thậm chí là xử oan dân.
Người dân đến liên hệ làm việc tại Trung tâm Hành chính công TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.T
Người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thật sự hài lòng
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, có những bức xúc của người dân về một số thủ tục rất đơn giản, chỉ cần cán bộ lĩnh vực TN-MT chịu lắng nghe, giải thích và kịp thời giải quyết thì vụ việc không đến mức người dân bức xúc và khiếu nại lên tỉnh. Như trường hợp bức xúc của ông Thái Phước Khanh (ngụ phường 3, TP. Bạc Liêu) về sự phân cấp chưa rõ ràng, chưa có sự công khai minh bạch nên người dân không biết tuyến đường nào được Sở Xây dựng, hay UBND thành phố cấp phép xây dựng khiến họ phải làm đi làm lại thủ tục nhiều lần. Ông Khanh cũng không hiểu vì sao căn nhà của ông giáp ranh với con hẻm và 1 hộ, nhưng khi làm “sổ đỏ”, phải có chữ ký của 5 - 6 hộ gần đó. Thiết nghĩ, nếu cán bộ địa chính phường, hoặc cán bộ TN-MT TP. Bạc Liêu giải thích cặn kẽ, công khai minh bạch việc phân cấp quản lý các tuyến đường thì người dân, mà cụ thể là ông Khanh sẽ không có những kiến nghị bức xúc với cấp tỉnh.
Lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn, là nỗi “ám ảnh” của nhiều doanh nghiệp. Ông Việt Anh - Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế và xây dựng ở TP. Bạc Liêu thẳng thắn cho rằng, hiện địa phương vẫn tồn tại tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, có nghĩa là lãnh đạo tỉnh vô cùng quan tâm, lắng nghe và luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhưng họ lại vô cùng khó khăn khi tiếp cận với sở, ngành, địa phương. Cùng một nhận định “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, bà Võ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục BiBo (tọa lạc tại phường 1, TP. Bạc Liêu) cho biết: Việc cơ sở phế liệu “mọc” lên cạnh trường gây ô nhiễm môi trường đã được phản ánh, khiếu kiện nhiều năm nay. UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành công văn yêu cầu di dời từ tháng 8/2016, và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung trong buổi “cà phê sáng” với doanh nhân vào tháng 10/2017 cũng đã yêu cầu địa phương sớm giải quyết nhưng đến nay sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Hầu hết các doanh nghiệp gần như không hài lòng về CBCC cấp cơ sở, bởi khi thì CBCC trình độ hạn chế dẫn đến kéo dài thời gian hoàn tất hồ sơ, thủ tục; khi thì nhiều lần doanh nghiệp, người dân liên hệ công chứng giấy tờ thì CBCC dù chưa hết giờ hành chính nhưng bận đi… đón con. Và không hài lòng nhiều nhất vẫn là thái độ chưa nhiệt tình, hết lòng của CBCC khi giải quyết TTHC, đặc biệt ở những lĩnh vực phức tạp.
Rõ ràng, dù đã xác định công tác CCHC, nâng cao chỉ số PAPI, chỉ số PCI chính là quyết sách làm hài lòng và đến gần với người dân, doanh nghiệp nhất. Nhưng thực tế cho thấy, bộ TTHC dù đã cố gắng cắt giảm, rút gọn thì vẫn còn cồng kềnh với trên 1.460 thủ tục các cấp trên toàn tỉnh, rải khắp các lĩnh vực. Nhiều báo cáo luôn khẳng định cải cách TTHC đã “cải tiến một bước” nhưng người dân, doanh nghiệp liệu đã thật sự hài lòng? Để hướng đến nền hành chính phục vụ trong sự hài lòng của dân thì công tác CCHC cần tiếp tục tháo gỡ những “nút thắt” từ yếu tố nhân lực đến tinh gọn, linh hoạt các thủ tục rườm rà.
Gần đây, những vụ khiếu nại về đất đai vẫn chiếm khoảng gần 70% trong tổng số các vụ khiếu nại ở tỉnh. Phải nhìn nhận rằng, dù đã cải cách nhưng thủ tục này vẫn còn phức tạp, hồ sơ gồm nhiều thành phần, nhiều bước, công việc, đòi hỏi thời gian giải quyết, cán bộ phải có chuyên môn sâu, am hiểu quy định pháp luật, cần sự phối hợp của nhiều cá nhân, tổ chức, các cấp chính quyền. Theo tìm hiểu, TTHC trong cấp Giấy CNQSDĐ và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu: Hồ sơ gồm 8 thành phần hồ sơ cơ bản, trong đó có thành phần hồ sơ đòi hỏi xác định rất nhiều loại giấy tờ; thông qua ít nhất 7 bước công việc, có khi liên quan đến cả 3 cấp chính quyền địa phương. Trong khi đó, một công chức chỉ đủ thời gian tiếp nhận được 5 - 10 hồ sơ/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ phải đợi lâu, hồ sơ làm TTHC phức tạp, khó kê khai, phải đi lại nhiều lần, hồ sơ có thể phải phát sinh trong quá trình thẩm định... |
Hoàng Uyên
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong