Cải cách hành chính
Huyện Phước Long: Trung tâm Hành chính công chuẩn bị đưa vào vận hành phục vụ nhân dân và doanh nghiệp
Với phương châm “Chuyên nghiệp - thân thiện - trách nhiệm”, huyện Phước Long sẽ đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công (HCC) phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. UBND huyện cho biết, mọi việc chuẩn bị đã được tiến hành chu đáo để có được một cơ quan đầu mối cung cấp dịch vụ HCC khang trang, tiến tới hiện đại, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
MỘT TRUNG TÂM ĐA LỢI ÍCH
UBND huyện Phước Long nhấn mạnh, sự ra đời Trung tâm HCC của huyện sẽ mang lại hiệu quả to lớn, có ý nghĩa quan trọng cho mọi người dân và doanh nghiệp. Trước hết, nó làm thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Mô hình này chẳng những tạo sự chuyển biến cơ bản, tăng năng suất, hiệu quả làm việc mà còn tăng tính liên thông, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan, đơn vị. Quan trọng hơn là giảm bớt TTHC, giảm chi phí, thời gian, công sức cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Từ đó sẽ giúp cơ quan hành chính nhà nước điều chỉnh hoạt động của mình, cải tiến lề lối làm việc theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ và kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020, công tác CCHC của huyện Phước Long luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm đặc biệt. Theo đó, huyện tích cực chỉ đạo thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trên địa bàn. Đồng thời tạo ra bước đột phá mới, nhiều năm liền đứng ở tốp đầu về chỉ số CCHC cấp huyện trong toàn tỉnh. Kết quả này đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của huyện không ngừng được nâng lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính huyện được triển khai đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về khoa học, nhanh chóng, chính xác và hiện đại. Hầu hết các TTHC nhờ vậy mà rút ngắn thời gian giải quyết theo nguyện vọng của nhân dân.
Tính đến cuối năm 2016, 90% thủ tục thuộc phạm vi quản lý của huyện Phước Long được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, 50 thủ tục thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông”. Năm 2016, bình quân mỗi ngày, cấp huyện tiếp nhận trên 30 hồ sơ, cấp xã gần 250 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ có mức giao dịch nhiều nhất là lĩnh vực đất đai. Và chính từ cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng phát huy hiệu quả đã tạo được lòng tin, sự đồng tình ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong huyện.
Nền tảng và thành tựu trên đã giúp cho huyện Phước Long tiến hành một cách nhanh chóng và thuận lợi thành lập Trung tâm HCC. Mô hình được huyện xác định sẽ là khâu đột phá mới về CCHC trên tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện nhà.
Lãnh đạo huyện Phước Long kiểm tra công tác chuẩn bị đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công của huyện. Ảnh: T.Đ
QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CỦA HUYỆN
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện, cho biết sự ra đời của Trung tâm HCC là quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị huyện. Ngay khi có chủ trương của tỉnh, UBND huyện đã bắt tay ngay vào xây dựng đề án thành lập Trung tâm HCC. Công tác chuẩn bị từ huyện đến xã đã được tiến hành nhanh chóng, bài bản và khoa học. UBND huyện trước mắt đã xuất ngân sách 3,5 tỷ đồng để chuyển đổi, nâng cấp bộ phận “một cửa” của huyện thành trụ sở Trung tâm HCC. Với kinh phí đó, cơ sở vật chất của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở tất cả các xã, thị trấn đều được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đảm bảo tính liên thông trong thực hiện TTHC phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Hoàng Điểm, Trưởng phòng Nội vụ, kiêm Phó Ban chỉ đạo CCHC huyện Phước Long, cho hay: “Cái được lớn nhất ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã là có trụ sở tiếp công dân khá khang trang, có diện tích gấp đôi so với quy định tối thiểu của tỉnh. Tất cả đều có máy điều hòa, tivi màn hình rộng và trang bị toàn bộ bàn ghế mới phục vụ nhân dân. Hiện các xã, thị trấn đang chờ tỉnh lắp đặt máy móc, thiết bị và đường truyền là đủ điều kiện đưa vào hoạt động”.
Ông Điểm cho biết thêm, đi vào vận hành theo mô hình mới, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm HCC của huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đều được sắp xếp lại là những người có đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm công tác. Với các ngành cấp huyện có số lượng TTHC giao dịch nhiều, cần phải giải quyết trong ngày thì có thêm một đồng chí lãnh đạo đến trực tại Trung tâm để phê duyệt, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân kịp thời. Trong Đề án thành lập Trung tâm HCC, UBND huyện Phước Long yêu cầu công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ phải có thái độ hòa nhã, ân cần, lịch sự, nghiêm túc trong giao tiếp với tổ chức, cá nhân. Không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực hoặc có hành vi vi phạm khác.
Trung tâm HCC huyện Phước Long được đầu tư trang thiết bị điện tử và các thiết bị chuyên dụng để ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, thống nhất trong thực hiện giải quyết TTHC. Hệ thống phần mềm điện tử tại Trung tâm có kết nối với tất cả các cơ quan, đơn vị theo hướng khoa học, rõ ràng, tiện lợi, có tính tự động cao, có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 100% công chức, viên chức đều được trang bị máy vi tính, được kết nối mạng nội bộ (LAN), wifi kết nối Internet và mạng WAN kết nối các TTHC. Có trên 10 phần mềm được đưa vào sử dụng tại Trung tâm HCC. Phần mềm xử lý TTHC không chỉ phục vụ xuyên suốt để giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức mà còn dùng để giải quyết TTHC giữa công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm với các sở, ban, ngành tỉnh; các phòng, ban, đơn vị chuyên môn cấp huyện và các xã, thị trấn. Ngoài ra còn có các phần mềm lấy số thứ tự, trả kết quả, thu phí, lệ phí; đánh giá, xếp hạng công chức, viên chức; phần mềm giám sát, thống kê tình hình giải quyết TTHC cùng các phần mềm cung cấp hệ thống thông tin qua tin nhắn (SMS), phần mềm liên hệ với cá nhân, tổ chức, lịch làm việc, phần mềm quản lý thư xin lỗi…
Thêm vào đó, Trung tâm HCC còn được trang bị ki-ốt tra cứu thông tin phục vụ cá nhân, tổ chức trực tiếp tìm kiếm thông tin, cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC nhằm giảm thiểu trường hợp thực hiện TTHC thiếu hoặc sai hồ sơ. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có màn hình hiển thị thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn, quá hạn, thông tin số thứ tự đang giải quyết tại từng quầy cùng với hệ thống camera giám sát.
Đến với Trung tâm HCC, người dân có quyền đánh giá công chức, viên chức làm việc bằng thiết bị xếp hạng. Hàng quý, Trung tâm sẽ thống kê lượt đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với công chức, viên chức qua thiết bị và Cổng thông tin điện tử của huyện. Kết quả đó sẽ là thước đo để đánh giá thi đua, xếp hạng công chức, viên chức theo định kỳ.
Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Phạm Thanh Hải khẳng định: “Vận hành mô hình Trung tâm HCC của huyện trước hết để đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết TTHC của nhân dân và doanh nghiệp. Song song đó, cán bộ thực thi công vụ cũng thấy mình cần làm tốt hơn nhiệm vụ trước sự quan tâm đặc biệt của Đàng, Nhà nước”.
Từ tháng 8/2017, Trung tâm HCC của huyện Phước Long đã đi vào hoạt động thử nghiệm và sẽ đưa vào vận hành chính thức kể từ tháng 9/2017. Trong năm 2017, số TTHC cấp huyện đưa vào thực hiện tại đây chiếm 70% trong tổng số TTHC. Và kể từ năm 2018, huyện Phước Long sẽ triển khai thực hiện 100% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện và các cơ quan, đơn vị ngành dọc đặt trụ sở tại huyện Phước Long.
TẤN ĐẠT
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong