Câu chuyện tòa án

Ăn cắp quen tay

Thứ Sáu, 17/04/2015 | 16:39

Hầu hết các phiên tòa, tỷ lệ các bị cáo phải ra đứng trước vành móng ngựa vì phạm tội trộm cắp nhiều không kể xiết. Trộm cắp vặt, lập thành băng nhóm trộm, đường dây trộm cũng có… Riết rồi các phiên tòa xét xử trộm cắp khiến người ta ngao ngán, bởi nó cứ lặp đi lặp lại.

Dạy con từ thuở còn thơ

Từ thuở còn học những bài học đạo đức vỡ lòng, cha mẹ, thầy cô đã dạy những trẻ phải biết tự trọng. Và một trong những đức tính luôn được người lớn dạy cho trẻ nhỏ là không được lấy những gì không phải của mình, dẫu chỉ là những món đồ chơi nhỏ. Chính điều này hình thành cho trẻ nhân cách sống sau này, đặc biệt là việc không được ăn cắp, trộm cắp của người khác.

Câu chuyện của những “đạo tặc” thời nay nếu phải ghi ra trên giấy thì không biết kể sao cho hết. Các cơ quan pháp luật cũng mất không biết bao nhiêu thời gian, công sức để giải quyết, nhiều khi việc trộm cắp chỉ đơn giản là một vài thứ chẳng giá trị gì. Trộm ít thì phạt hành chính; còn trộm trên 2 triệu đồng thì xử lý hình sự. Trẻ em thì lập hồ sơ, giáo dục tại địa phương. Nếu không sửa chữa lại chưa đi giáo dục cải tạo thì đưa vào trường giáo dưỡng. Nếu đủ tuổi thì ra tòa, rồi đi tù; ra tù lại trộm cắp, tái phạm…

Những đối tượng trộm cắp “chuyên nghiệp” hiện nay không phải ít. Khi những đối tượng này bị đưa đi cải tạo giáo dục thì xóm làng tạm yên ổn; nhưng khi mãn hạn trở về là mọi chuyện lại như trước. Nhiều đối tượng tuổi đời còn khá trẻ nhưng tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp dày đặc.

Rồi chuyện cha mẹ ăn cắp, con cái cũng bắt chước theo. Đầu óc non nớt của những đứa trẻ này nghĩ rằng, trộm cắp là chuyện bình thường, và truyền nhau những “bí quyết” để “nâng cao tay nghề” trộm cắp!...

KHI TRẺ VÀO ĐỜI SỚM

Không phải đứa trẻ nào cũng có được may mắn là nhận được sự giáo dục đầy đủ của người lớn, nhất là những người cận kề gần gũi chúng. Và nhiều trẻ phải vào đời quá sớm, va chạm với chuyện cơm áo gạo tiền khi bản thân chưa có đủ “kháng thể” đối với nhiều cám dỗ, nhiều tệ nạn rình rập. Nhiều trường hợp vịn vào nghèo khổ, lười biếng rồi trộm cắp để kiếm cái ăn. Và cái ăn nếu không tự mình tìm kiếm được thì phải ăn cắp.

Người viết đã được dự một lớp học tình thương rất đặc biệt tại thị trấn Hộ Phòng (huyện Giá Rai). Có lẽ chưa lớp học tình thương nào lại huy động được số lượng trẻ em đến lớp đông như ở đây. Các em chủ yếu đều là con gia đình nghèo, nhiều em là trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Trước khi đến với lớp học, các em phần lớn đều phải tự quơ quào kiếm ăn cùng với cha mẹ, đứa đi lượm bọc, đứa đi bán vé số. Và không ít đứa sa chân vào các tệ nạn, trộm cắp…

Tôi chợt nhớ đến những phận đời trôi nổi, cái ăn cái mặc đã là xa xỉ đừng nói gì đến chuyện được đến trường, được giáo dục đầy đủ. Con đường để những con người này đến với cái thiện, cái đẹp hết sức xa vời. Xã hội chúng ta lên án hành vi trộm cắp là đúng, nhưng cái quan trọng là làm sao để ngày càng ít đi tội phạm trộm cắp mới là điều nên làm.

Kim TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.