Câu chuyện tòa án

Bán con…

Thứ Sáu, 11/08/2017 | 15:26

Phiên tòa không có nước mắt, cũng không có ai buồn. Những người đi dự phiên tòa với tư cách là đại diện cho người bị hại nói cười vui vẻ với các bị cáo. Ở phần ý kiến trước tòa, nhiều người đều xin giảm án cho mấy bị cáo. Còn những bị hại thật sự, hầu hết đều còn ở Trung Quốc, đang làm dâu xứ người. Mà đây lại là một trong những phiên tòa đặc biệt, xử về một loại tội phạm mới: tội mua bán người, mua bán trẻ em.

Đối với những người có mặt tại phiên tòa hôm ấy, họ nhận thức hành vi của các bị cáo phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em rất đơn giản. Đó chẳng qua là những ông bà mai mối, tìm nơi cho họ gả con đi lấy chồng nước ngoài - không hơn không kém. Do đó, nếu hỏi họ, có yêu cầu xử tội các bị cáo không? Họ đều trả lời: Không. Nếu hỏi họ, có đòi bồi thường không? Họ đều trả lời: Không. Nếu hỏi họ, vì sao lại xin giảm án cho các bị cáo? Hầu hết gia đình các bị hại đều lí nhí: Vì thấy tội nghiệp, vì hổng có oán hận gì đâu…

Từ nhận thức đơn giản đến mức đau lòng ấy đã khiến các cô gái Việt bị đẩy sang Trung Quốc, gả bán cho những người Trung Quốc (hầu hết đều nghèo khổ, ở vùng nông thôn, miền núi) để đổi lấy chén cơm, manh áo cho cha mẹ. Những suy nghĩ đơn giản đến mức khó tin ấy, đã khiến cho các bị cáo ra tòa vẫn vô tư vui cười, thoải mái cứ như mình chỉ bị mời lên để tòa hỏi thăm vài câu rồi cho về. Các bị cáo Lý Búp Pha, Sơn Thị Lan đều rất vui vẻ cười nói với mọi người mà không hình dung được rằng, mức án mà các bị cáo phải gánh chịu, cao nhất lên đến khung hình phạt tù chung thân. Bởi trước tòa, họ nghe thấy đại diện gia đình các bị hại đều xin giảm án cho mình, xin tòa tha cho họ.

Cái nghèo khó, thất học đã đẩy nhiều gia đình người Việt ở một số vùng quê luôn trong suy nghĩ, chỉ có đưa con gái đi làm việc ở nước ngoài thì mới mong đổi đời. Mà những cô gái, vừa bước qua tuổi 16, chưa từng học hết bậc phổ thông, thì đi ra nước ngoài làm việc gì, có việc gì tốt để làm? Nhưng trong cái suy nghĩ đơn giản của những bậc cha mẹ ấy, chỉ biết được đi sang nước ngoài, rồi con gái gửi vài triệu về, đã là may mắn.

Điển hình như trường hợp của ông Sơn Th. (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), là cha ruột của S.T.N, một bị hại trong vụ án. Ông gần như không nhớ nổi con gái mình được đưa đi Trung Quốc lúc nào. Khi tòa hỏi, con ông bao nhiêu tuổi, ông đứng gãi gãi đầu, cười. Tòa hỏi tiếp, ông biết con ông lấy chồng Trung Quốc, vậy có đăng ký kết hôn không? Có làm đám cưới không? Ông gãi đầu tiếp. Khi tòa trách: Làm cha gì kỳ vậy, hỏi gì cũng không biết. Ông lí nhí nói: Để có gì về tui hỏi lại nó.

Đến khi nghe tòa nói, qua quá trình điều tra, đã xác định được S.T.N bị bán đi Trung Quốc với giá 120 triệu đồng. Lúc này ông thừa nhận, mình có hưởng 30 triệu đồng trong số đó. Tòa tiếp tục giải thích: Đó là tiền bán con…

Hai mẹ con Nguyễn Thị Đ. và L.T.A.T ngồi thu lu ở một góc tòa. Cháu T. sinh năm 2001, ở thời điểm bị bán sang Trung Quốc, T. chưa đủ 15 tuổi. Khi tôi hỏi vì sao cháu T. bị người Trung Quốc trả về thì chị Nguyễn Thị Đ. kể: “Lúc đi thì nói đưa sang Trung Quốc làm việc lương cao, nhưng khi qua đó thì bắt phải lấy chồng. T. không chịu lấy chồng, kháng cự quyết liệt nên họ trả lại”. T. ngồi đó, mắt vẫn ngó mông lung, giọng nói nhẹ như không khí bên tai tôi: Đi qua đó, cực khổ lắm cô ơi. Không giống như họ nói đâu.

Để có thể đưa T. về, mẹ T. là chị Đ. đã phải vay khắp nơi để có số tiền 30 triệu đồng mà chuộc con. Nếu không, chẳng biết cháu giờ sẽ lưu lạc nơi đâu.

Mỗi phụ nữ một hoàn cảnh. Nhiều người giờ vẫn sống ở Trung Quốc, lấy chồng, sinh con. Sướng hay khổ, cha mẹ ở quê nhà khó có thể biết được.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.