Câu chuyện tòa án

Bào... chữa

Thứ Sáu, 11/04/2014 | 15:11

Trong nhiều vụ án hình sự, việc có luật sư để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là một thủ tục tố tụng bắt buộc. Vì bắt buộc nên ngay cả khi bị cáo không thuê thì tòa cũng phải mời luật sư và chi phí thanh toán do Nhà nước trả. Những trường hợp như vậy, giữa luật sư và bị cáo không có sự ràng buộc, nên đã có không ít luật sư nhận bào chữa chỉ định một cách thờ ơ, thậm chí chỉ đọc qua loa hồ sơ vụ án trước khi phiên tòa diễn ra…

Việc có mặt ở tòa, theo quan niệm của các luật sư này chỉ là hình thức. Vì với những án chỉ định luật sư (thường là án mà bị cáo bị truy tố có khung hình phạt rất cao như tử hình, hoặc án có bị cáo là người chưa thành niên…), thì dù có bào chữa cũng chẳng thay đổi mấy. Hơn nữa, cãi “hăng” quá thì chỉ tổ chọc giận thêm cho gia đình nạn nhân mà thôi. Thế nên, họ chỉ bào chữa lấy có, chung chung những tình tiết vô thưởng vô phạt kiểu như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi, nhận thức pháp luật hạn chế… Kiểu bào chữa như vậy, đối với bị cáo và nhiều người dự khán, họ cũng không phân biệt được gì (vì luật sư đâu có làm gì sai, đâu có nói gì sai), nhưng với những người có trình độ am hiểu pháp luật, thì thật khó chấp nhận. Đó cũng chính là một kiểu làm việc thiếu trách nhiệm và thiếu lương tâm, và sự có mặt của luật sư cũng chẳng giúp ích gì cho bị cáo.

Một trường hợp khác của kiểu làm việc thiếu trách nhiệm của luật sư với thân chủ của mình chính là việc luật sư không có mặt ở tòa mà chỉ gửi bài bào chữa đến và nhờ tòa… đọc dùm. Tình trạng này rơi vào cả những luật sư trẻ, mới hành nghề ít lâu. Đáng lý ra, với tuổi nghề, tuổi đời còn trẻ, các vị luật sư này phải nhiệt huyết, tận tâm với từng vụ án, để trau dồi nghiệp vụ vững vàng, và cũng là để công lý được thực thi. Thế nhưng, với những bài bào chữa trên giấy, nhờ tòa đọc dùm, thử hỏi làm sao có thể dự đoán được hết các tình huống diễn biến tại phiên tòa. Còn nói xa hơn thì cũng khó mà đáp ứng được yêu cầu của tinh thần cải cách tư pháp.

Nhiều trường hợp hết sức buồn cười, khi mà bài bào chữa trên giấy đã được luật sư soạn sẵn không khớp với diễn biến phiên tòa. Chẳng hạn như, luật sư thì ghi sẵn các tình tiết kiểu bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nhưng diễn biến ở phiên tòa, bị cáo cho rằng mình không phạm tội nên không nhận tội. Những bài bào chữa trên giấy và sự vắng mặt của luật sư, đôi khi khiến cho phiên tòa như có sự chênh lệch, và số phận của các bị cáo thêm chông chênh. Bởi thông thường với người phạm tội, hầu hết đều có trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, ra tòa đôi khi chỉ khai lại phần nhân thân còn không xong, thì làm sao có thể tranh luận với cơ quan công tố, còn bản thân các bị cáo đang phải đứng trước vành móng ngựa?

Đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Dù là bào chữa công thì đó cũng là một thân phận người rất cần được công lý soi xét, vì vậy, xin các luật sư hãy làm hết trách nhiệm đã được giao phó bằng cả lương tâm và trách nhiệm.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.