Câu chuyện tòa án
Cái giá của trò đùa
Cả 3 bị cáo đều ở tuổi vị thành niên, ít học (bị cáo Vẹn không biết chữ, bị cáo Quang học lớp 1, chỉ có bị cáo Giàu là học tới lớp 9) và ham chơi, không nghề nghiệp. Sự ham chơi đó đã dẫn đến một kết cục là các bị cáo phải ra tòa vì tội Cướp giật tài sản, mà tài sản cướp được chỉ là… mấy cái nón kết.
Tại tòa, cả 3 bị cáo Vẹn, Quang, Giàu đều khai nhận đã rủ nhau đi giật nón để… đội chơi. Các bị cáo xem hành vi giật nón ngoài đường như một trò đùa mà không biết đó là hành vi phạm tội, có thể bị bắt giam…
Do là bạn bè quen biết thường đi chơi chung với nhau, nên trưa 16/4/2013, Vẹn (sinh năm 1996) điều khiển môtô chở Quang và Giàu lưu thông trên đường Trần Phú (TP. Bạc Liêu). Cả ba rủ nhau giật nón kết của người đi đường (chủ yếu là các em học sinh đi xe đạp). Khi chạy đến trước tiệm dán xe 555 (khóm 3, phường 7) thì phát hiện em L.K.V chở em P.L.N.L bằng xe đạp đang trên đường đi học về Vẹn liền cho xe chạy vượt lên để Giàu ngồi sau với tay giật nón kết của L. Cùng hành động như vậy, các bị cáo đã giật của 3 nạn nhân là các em đi xe đạp. Các bị cáo bị lực lượng CSGT thành phố phát hiện về hành vi vi phạm Luật Giao thông (chở ba) và buộc dừng xe kiểm tra. Hoảng sợ, Quang và Giàu bỏ chạy, sau đó các bị cáo lần lượt bị bắt giữ.
Cách đây nhiều năm, tôi nhớ có lần em tôi đi học về, vừa bước vào nhà đã mếu máo khóc kể với vẻ hoảng sợ vì bị kẻ xấu giật mất nón. Gia đình tôi an ủi, thôi bỏ đi, may là không bị ngã xe. Kẻ giật nón là tụi choai choai, quậy phá xóm làng, nên dính đến chúng chẳng có ích gì. Hơn nữa, chỉ mất cái nón, không bao nhiêu tiền chắc cũng chẳng thưa kiện được ai. Vậy là thôi.
Và đó cũng là suy nghĩ của nhiều người, trong đó có cả các bị cáo ở vụ án này. Giật tài sản thì ít nhất cũng phải có giá trị (như điện thoại di động, túi xách…) thì mới bị bắt, bị tù; chứ giật vài ba cái nón kết, mỗi cái trị giá chỉ vài chục ngàn đồng, ai mà xử lý. Thế nhưng ít ai biết rằng, “cướp giật tài sản” nằm trong nhóm tội có cấu thành hình thức. Tức là, chỉ cần có hành vi cướp giật tài sản của người khác xảy ra, không cần biết giá trị tài sản đó là bao nhiêu, hậu quả xảy ra như thế nào (có thể gây hậu quả nghiêm trọng, cũng có thể không có hậu quả gì xảy ra như trường hợp vụ án của các bị cáo Vẹn, Giàu, Quang) thì tội danh vẫn được thành lập. Người thực hiện hành vi phạm tội vẫn bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Không những thế, Hội đồng xét xử trong phiên xử các bị cáo còn nhận định rằng, hành vi của các bị cáo cướp giật bằng xe gắn máy khi đang lưu thông trên đường nên mức độ nguy hiểm rất cao, có thể gây thiệt hại về sức khỏe cho người bị giật tài sản và ảnh hưởng đến những người khác cùng lưu thông. Từ đó, các bị cáo còn bị thêm tình tiết tăng nặng “dùng thủ đoạn nguy hiểm”.
Giá trị tài sản các bị cáo phạm tội được định giá tổng cộng 78.000 đồng (3 cái nón kết). Các bị hại cũng không có mặt tại tòa, không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chỉ có các bị cáo là phải đứng trước vành móng ngựa, ngỡ ngàng khi nghe Hội đồng xét xử tuyên án. Giật nón kết như là một trò đùa, khiến nạn nhân giật mình hoảng hốt, còn kẻ giật thì được thể hiện mình, chứng tỏ bản thân theo kiểu thích nổi loạn. Và cái giá để trả cho hành vi đó không hề rẻ, bị cáo Vẹn 2 năm tù, bị cáo Giàu 1 năm 6 tháng tù, bị cáo Quang 1 năm 3 tháng tù.
Kim Phượng
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024