Câu chuyện tòa án

Chữ hiếu ngày nay...

Thứ Sáu, 11/10/2013 | 18:55

Trong xã hội hiện nay, đáng buồn thay khi có không ít người quá xem trọng của cải vật chất mà quên cả đạo lý, nghĩa sống ở đời, thậm chí còn bất kính với chính cha mẹ, ông bà của mình.

Tranh nhau… từ chối nuôi mẹ

Chứng kiến phiên tòa xét xử vụ án: “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa bà V.T.L và con trai là T.N.H, nhiều người đã không khỏi xót xa về chữ hiếu ngày nay.

Năm 2006, bà L. làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất (cho tặng tài sản) 3 công đất trồng lúa và đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm cho anh H. (cùng sống chung với bà L. ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Trong đó, có 1 công đất anh H. phải thay mẹ chuộc lại (vì bà L. đã cầm cố cho một người con khác). Trình bày trước tòa, bà L. cho biết: Thương con, muốn được ở cùng với con và các cháu đến cuối đời, bà đã cho anh H. hết phần đất thuộc quyền sở hữu của mình vì muốn con có phương tiện làm ăn, sinh sống. Thế nhưng sau một thời gian, khi bà đã chuyển hết tài sản cho vợ chồng H. thì họ quay ra đối xử tệ bạc với mẹ nên bà muốn đòi lại một phần đất để tự tìm kế sinh nhai.


Thế nhưng, H. không thừa nhận việc tặng cho tài sản là có điều kiện phải nuôi dưỡng chăm sóc mẹ nên không đồng ý trả đất lại. H. còn phân bua với tòa về việc, tính ra trong các anh em thì bà L. cho anh đất đai ít hơn, vậy mà còn đòi lại, sao không đòi của những anh em khác?! Tại phiên tòa, một người con khác của bà L. là anh T.V.N. cũng xin được có ý kiến (dù không liên quan đến vụ án). Và ý kiến của anh N. chỉ khiến cho nhiều người dự khán thêm căm phẫn: Mẹ tôi có cầm cố cho tôi 1 công đất, vợ chồng tôi xin được mua luôn phần đất này mà mẹ không chịu, nhất định lấy lại để cho em tôi. Nay thằng H. không chịu nuôi mẹ nữa, tôi cũng xin không nhận nuôi mẹ, mong Tòa xem xét!

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã giải thích về nghĩa vụ làm con, thậm chí còn đề cập đến vấn đề nhân quả theo đạo lý nhà Phật nhưng các con trai của bà L. chỉ quan tâm đến việc: không chấp nhận trả đất cho mẹ và xin không nuôi mẹ. Cám cảnh phận mình, người ta thấy bà L. liên tục đưa tay quẹt nước mắt…

Buộc dỡ mồ mả cha ông để đòi đất

Vụ kiện của anh T.Q.K ở xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) càng chua chát hơn cho chữ hiếu đạo ngày nay.

Đất ở, đất trồng cây lâu năm của anh đều là của cha mẹ chia cho. Trong phần đất này có một phần được sử dụng để làm mồ mả cho dòng họ, trong đó có mộ phần của ông bà và cha của K. Theo lời anh K. trình bày thì: Anh được anh ruột của mình đề nghị đổi một phần đất trồng lúa lấy phần đất vườn tạp của K. (có ngôi mộ của cha và ông bà nội) để xây dựng nhà mồ của dòng họ. Tuy nhiên, sau khi xây nhà mồ xong, K. đòi anh đưa cho mình phần đất ruộng như đã thỏa thuận thì anh và mẹ của K. là bà N.T.B không đồng ý; vì thế K. gửi đơn yêu cầu tòa giải quyết, buộc tháo dỡ mộ phần mới xây trả lại hiện trạng ban đầu. Bà B. - mẹ của K. nói, “Đất đai chia chác cho nó đủ hết, phần mộ ông bà và cha nó đã có từ trước, sau này tôi chết cũng nằm ở đó. Vậy mà nó…”. Bà bỏ lửng câu nói bằng một tiếng thở dài.

Chuyện động đến mồ mả ông bà, cha mẹ là chuyện hết sức tối kỵ của người Việt Nam. Chỉ vì một miếng đất chưa tới 100m2 mà người con trai sẵn sàng đâm đơn ra tòa thưa mẹ, thưa anh mình để đòi đất, yêu cầu tháo dỡ mộ phần của cha mình, của ông bà nội mình để lấy đất (nghe đâu bán cho người khác để làm đường đi).

Thật xót xa khi chữ hiếu đạo ngày nay đã bị lu mờ bởi những người bị đồng tiền chi phối như K., như H...

Kim Tuấn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.