Câu chuyện tòa án
Chuyện “lặt vặt”
Hôm rồi tôi tình cờ được dự một phiên tòa xử ly hôn. Hai vợ chồng tóc đã bạc vẫn đưa nhau ra tòa. Vị thẩm phán chủ tọa sau đó có nói với tôi rằng, những mâu thuẫn chẳng có gì, chỉ “lặt vặt”, mà hòa giải động viên cỡ nào họ cũng không nghe. Hồi xưa, vợ chồng lớn tuổi có khi không thuận nhau thì chỉ là ly thân, còn bây giờ già trẻ gì cũng kéo nhau ra tòa.
KHI CHUYỆN BÉ XÉ RA TO
Ở nhiều phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa xử ly hôn hiện nay, người ta hiếm thấy những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm để dẫn đến kết quả chấm dứt mối quan hệ vợ chồng. Một trong những mối quan hệ được pháp luật bảo vệ nhưng lại rất dễ đổ vỡ và cũng được pháp luật công nhận sự đổ vỡ ấy bằng một bản án, quyết định.
Đôi vợ chồng tóc đã hoa râm kiên quyết ra tòa chỉ vì chuyện “ông nói gà thì bà nói vịt”. Tức là khi về già, tự nhiên hai vợ chồng đâm ra không thuận nhau về lời ăn tiếng nói. Hễ ông nói gì ra là bà cũng nghe chói tai. Không cãi vã nhau ồn ào như tuổi trẻ, nhưng ông bà ghìm nhau, không ai nói chuyện với ai. Con cái cũng đã có cuộc sống riêng tư, thế nên ông bà cảm thấy bức bối. Khi ra tòa, hỏi mâu thuẫn trầm trọng thì họ không nói được. Còn hỏi tại sao phải ly hôn thì họ đưa ra hàng loạt chuyện không đâu vào đâu.
Tương tư như vậy, tôi đã từng dự một phiên tòa xử ly hôn cho đôi vợ chồng trẻ, phải nói là rất trẻ (cả về tuổi tác lẫn thời gian chung sống với nhau). Một phiên tòa tưởng chừng rất nhẹ nhàng, bởi họ cũng chưa có con chung. Cưới nhau mới chỉ hơn 8 tháng, giờ đưa nhau ra tòa, không thể tính được đâu là mâu thuẫn trầm trọng. Bởi “cuộc chiến” của hai vợ chồng vẫn không thấm vào đâu so với “cuộc chiến” âm ỉ mà vô cùng ghê gớm của hai bà sui. Ở dưới hàng ghế dự khán, mẹ của cô vợ cứ lườm lườm, đưa ánh mắt hằn học sang bà mẹ của anh chồng. Bà sui trai cũng chẳng vừa, cứ mỗi lần nhìn thấy bà sui gái là bĩu môi ra chiều khinh ghét. Chuyện bên lề phiên tòa sau đó được biết đến như sau: Bà mẹ chồng không thích kiểu sống của cô con dâu, bà soi mói từng chút, thậm chí sáng ngủ dậy trễ cũng bị la rầy, con dâu muốn về nhà mẹ đẻ cũng không được. Cô con dâu cũng không vừa, cứ bà nói một thì cô cũng trả treo đến hai. Thế là chuyện lớn dần khi có sự tham gia “sinh sự” của bà sui gái bởi tính hay bênh con. Hai vợ chồng trẻ không mâu thuẫn gì nhiều, nhưng người này cảm thấy không thể gọi mẹ người kia bằng mẹ nên đồng ý đưa nhau ra tòa ly hôn.
KHI CÓ NGƯỜI THỨ BA…
Nhiều thẩm phán chuyên xử ly hôn cho biết, nhiều phiên tòa mà nguyên nhân mâu thuẫn xuất phát từ một người… “trên trời” rơi xuống, mà tôi tạm gọi là người thứ ba. Dù là “kẻ giấu mặt”, thậm chí không có thật, nhưng trong suy nghĩ của một trong hai vợ chồng, nó lại rất hiện hữu. Sự ghen tuông mù quáng đôi khi còn dẫn đến những cái kết đau lòng hơn bản án ly hôn. Chồng giết vợ, vợ giết chồng, người tình giết nhau, rồi người chết, kẻ ra vành móng ngựa. Những giọt nước mắt cũng không làm thay đổi được sự thật, họ đã hành động chỉ vì một kẻ thứ ba, chưa chắc đã tồn tại.
Những chuyện mà chúng ta, người ngoài cuộc thường cho là “chẳng đâu vào đâu” thì không ít cặp vợ chồng, do không thấu hiểu nhau, lại thường quan trọng hóa lên. Để những mâu thuẫn kiểu mẹ chồng nàng dâu, hay những mâu thuẫn kiểu như nghi ngờ ghen tuông trở thành nguyên nhân chính dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.
Tệ hại hơn, những phiên tòa hình sự xét xử những trường hợp giết người vì ghen. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi con cái ra tòa ngơ ngác giữa hai bên - đại diện bị hại và bị cáo. Người chết thì oan ức, người ở lại phải tù tội. Đằng sau những phiên tòa, dù vô cùng hối hận, cũng không thể thay đổi được gì.
KIM PHƯỢNG
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024