Câu chuyện tòa án

Công bằng

Thứ Sáu, 18/04/2014 | 18:23

Trong một xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, tuân thủ pháp luật và tăng cường pháp quyền, con người ta ngày càng hướng đến khái niệm về công bằng. Đặc biệt, trên phương diện luật pháp, hai chữ “công bằng” càng được đề cao. Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào, công bằng cũng thật sự… công bằng, ngay cả khi đó là chốn pháp đình.

Bản thân tôi đã không ít lần dự những phiên tòa mà nhìn xung quanh toàn là quan tòa và những người chấp pháp, còn bị cáo thì lọt thỏm ở giữa, một mình. Không luật sư, không thân nhân, không người dự khán. Chỉ có Hội đồng xét xử, công tố viên, vài chiến sĩ cảnh sát bảo vệ phiên tòa.

Ở những vụ án như mua bán ma túy (với số lượng ít), trộm cắp, cướp giật… mà bị cáo đã nhận tội đều diễn ra rất chóng vánh. Phần xét hỏi, vì bị cáo nhận hết tội nên không có gì nhiều để làm rõ. Phần tranh luận, sau khi công tố viên luận tội, tòa hỏi bị cáo có gì tranh luận lại với đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, nếu không có luật sư, hầu hết các bị cáo khi được hỏi câu này đều có một cử chỉ duy nhất: lắc đầu từ chối tranh luận, hoặc xin tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Và như vậy, những quyền mà pháp luật trao cho bị cáo để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo trước tòa, đều không được bị cáo vận dụng. Mà điều đó còn phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của quan tòa, của công tố viên.

Theo thống kê, cả nước hiện chỉ có 20% các phiên tòa có sự tham gia của luật sư, người bào chữa. Con số gần 80% không có luật sư tham gia phiên tòa, thật sự đáng để chúng ta suy ngẫm.

Yếu tố công bằng còn được nói đến ở khía cạnh áp dụng hình phạt của các quan tòa. Mặc dù trên phương diện lý luận, hành vi phạm tội đến đâu, tính chất ra sao đều có quy định khung hình phạt rõ ràng. Nhưng trên thực tế, khi vận dụng điều luật để áp vào từng vụ án, từng bị cáo, thì đôi khi nó không như vậy. Cùng một tội danh, cùng một mức độ phạm tội tương xứng nhau, nhưng các phiên tòa khác nhau lại xử không đồng nhất nhau, thậm chí gây khó hiểu cho nhiều người. Chẳng hạn như các vụ án về hành vi đánh bạc (ghi số đề), nhiều vụ chỉ phạm tội nhỏ lẻ, số tiền tang vật vài triệu đồng nhưng vì bị cáo khai thời gian phạm tội dài (ví dụ gần 1 tháng) nên bị xử mức hình phạt cao, không được hưởng án treo vì phạm tội nhiều lần. Còn trong một số vụ đánh bạc có đường dây, có tổ chức, các thầu đề bị khởi tố đều có “số má” ở ngoài xã hội (ai cũng biết họ là thầu số đề lớn). Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, khi ra tòa xét xử, nhiều người chỉ bị phạt vài tháng tù (theo kiểu tuyên cho có), và nhiều người còn được hưởng án treo?

Vẫn biết công bằng, dù ở lĩnh vực nào, cũng chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên, có lẽ, ở góc độ pháp lý và chấp pháp, thì ở đâu đó chốn pháp đình, nếu công bằng bị kéo giãn quá nhiều, lại thấy xót xa cho những thân phận bọt bèo…

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.