Câu chuyện tòa án
“Cuộc chiến” sau ly hôn
Chúng ta có nhiều cơ quan để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, nhưng không phải lúc nào pháp luật cũng có thể chạm hết mọi ngõ ngách của cuộc sống. Để bớt bị tổn thương và thiệt thòi, nên chăng, chị em phụ nữ cần trang bị những kiến thức, đặc biệt là về pháp luật trước ngưỡng cửa hôn nhân?
GIÀnh quyền nuôi con
Em N.T.Q hiện chỉ mới 21 tuổi, nhưng 18 tuổi đã bước lên xe hoa. Xóm giềng ai cũng trầm trồ khen, con nhỏ xinh xắn quá. Ngày em bước lên xe hoa, với gương mặt mãn nguyện vì lấy được người mình yêu lại là con trai duy nhất của một gia đình rất giàu có. Ai cũng mừng cho em.
Nhưng chỉ 3 năm sau, N.T.Q ra tòa ly hôn. Em ôm con về nhà cha mẹ cùng với thỏa thuận được chia một số tài sản do bên chồng cho từ hồi đám cưới. Tại tòa, gia đình bên chồng và kể cả chồng em cũng không thiết tha gì chuyện hôn nhân để hàn gắn mối quan hệ. Họ chỉ quyết liệt giành quyền nuôi đứa cháu nội trai đích tôn. Nhưng tòa tuyên quyền nuôi con cho người mẹ (theo quy định của luật), thế là mọi việc trở nên phức tạp.
Gặp chúng tôi sau phiên tòa không lâu, cũng em với nét mệt mỏi in hằn trên đôi mắt bởi những tháng ngày phải cù cưa với chồng về tiền cấp dưỡng nuôi con, về thi hành án đối với phần tài sản chia sau ly hôn, về quyền được thăm nom con. Tòa tuyên thì tòa tuyên, gia đình bên chồng tìm mọi lý do để không phải thi hành án. Cơ quan thi hành án lúc thì nhận đơn đề nghị thi hành án của em lúc lại ra quyết định trả đơn với lý do, chồng em không có tài sản riêng để thi hành. Uất nghẹn, em nói: “Gia đình ảnh giàu có lắm. Tại họ cố tình làm khó để gây áp lực với em”. Cái áp lực mà em nói chính là việc bên chồng muốn được tự do thăm nom cháu nội, đưa rước về nhà chơi… Nhưng em không chịu. Bà mẹ chồng tuyên bố thẳng thừng, chịu thì chuyện thi hành án chỉ là chuyện nhỏ, còn không thì… đừng hòng.
Khi chúng tôi cố giải thích cho em hiểu, quyền được thăm nom, chăm sóc con chung, pháp luật đã quy định và bảo hộ, nếu em cố tình cản trở thì coi như vi phạm pháp luật, và phía bên chồng em, họ có quyền yêu cầu tòa thay đổi quyền nuôi con. Thẫn thờ, em kể về quãng thời gian làm dâu, làm vợ đầy nước mắt của mình. Rồi lại nói về mối lo sợ nếu giao con cho chồng mang đi. Em sợ họ không giữ lời hứa. Em sợ họ mang con em đi luôn. Mà họ lại giàu có. Đồng tiền đi liền với quyền lực. Còn em, một cô gái chỉ mới 21 tuổi đầu, không có gì ngoài đứa con trai gần 2 tuổi, không nghề nghiệp ổn định. Liệu có đủ sức để đi tìm công lý?
Không dám chạm đến pháp luật
Chị L.T.T bị gia đình chồng “trả” về sau gần 10 năm lấy chồng, làm dâu. Chồng chị là con trai út của một gia đình kiểu điền chủ xưa. Vì là con trai út nên anh được cưng chìu hết cỡ. Vì là dâu út nên trăm thứ đổ đầu tằm. Chị tối mặt tối mũi với trăm thứ không tên.
10 năm làm dâu, đến ngày ra khỏi nhà chồng, trong một buổi chiều mưa lất phất, chị chỉ kịp dồn đồ đạc cá nhân vô 2 cái bao ni-lông để người thân chở về. Không một đồng dính túi, không được dẫn con theo, chị ra đi với hai bàn tay trắng. Gia đình chồng mời gia đình chị sang nói chuyện, với lý do hai vợ chồng không thể sống chung, họ trả chị về. Hai đứa con chị, một trai một gái, không được cho theo mẹ.
Về nhà, nhớ con, chị phải lén thăm con ở trường học. Hai đứa con chị, nhớ mẹ, cũng sụt sịt khóc tối ngày. Nhiều người nghe chuyện của chị, tức giận, xúi chị phải kiện ra tòa, yêu cầu ly hôn, chia tài sản, đòi quyền nuôi con…
Nhưng chị không dám đi kiện, với chị, pháp luật dường như rất đỗi xa vời. Chị nói, đưa ra tòa ly hôn thì được, thậm chí được cả quyền nuôi con, chị vẫn biết thế. Nhưng ly hôn, giành nuôi con rồi, không tiền, không nghề nghiệp ổn định (bởi cả tuổi xuân của chị đã dành hết cho gia đình chồng) thì lấy gì để lo cho con? Còn yêu cầu chia tài sản sau ly hôn, chồng chị sống chung với cha mẹ, với cả đại gia đình “tam tứ đại đồng đường”, mọi tài sản, chi tiêu đều do bà mẹ chồng nắm giữ, liệu yêu cầu của chị sẽ được chia những gì?!
KIM PHƯỢNG
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024