Câu chuyện tòa án
Đằng sau một bản án hình sự
Khi phiên tòa hình sự diễn ra, người ta thường thấy bề nổi của nó. Đó là sự uy nghiêm của tòa án với quan tòa, là bản án thích đáng dành cho các bị cáo, những kẻ gây ra tội. Đó là sự hài lòng hoặc không hài lòng của bị hại, người đại diện cho bị hại, đại diện nguyên đơn dân sự đối với các mức hình phạt, mức bồi thường… Đó còn là sự đồng thuận hay không đồng thuận của những người dự khán. Tựu trung, nó tạo nên một bức tranh khá đa dạng ở chốn pháp đình.
Song, có một điều: ít ai để ý và còn quan tâm đến phiên tòa đó, bản án đó, nếu không phải là những người trong cuộc. Và đằng sau đó cũng còn những nỗi bức xúc khác, không phải dễ gọi thành tên. Nhiều người dở khóc dở cười với những phần mà người ta thường gọi là “râu ria” phía sau những bản án. Cũng không ít cá nhân, nhờ những kẽ hở của pháp luật, thậm chí được sự tiếp tay của những người có chức vụ, quyền hạn để làm thiệt hại cho Nhà nước. Làm sai ở giai đoạn phía sau, tức giai đoạn thi hành án, nếu có sự phát hiện, cũng chỉ ở các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền giám sát các hoạt động tố tụng mới phát hiện ra, chứ người dân không thể biết được nếu không có thông tin.
Tôi đã gặp rất nhiều người, có thể là một người cha vừa mất đi đứa con thương yêu nhất, đó cũng có thể là một người vợ đang oằn lưng với gánh nặng vừa lo cho gia đình vừa nuôi chồng nằm liệt giường sau một vụ án tai nạn giao thông. Đó cũng có thể là một bị cáo và gia đình của họ, bơ vơ, đổ vỡ sau phiên tòa. Thậm chí, đó có thể chẳng có nhân vật, chẳng có bị hại, mà thiệt hại chính là Nhà nước, là thứ có thể nói là mơ hồ nhất, ít bị săm soi nhất, nhưng thiệt hại thường nặng nề nhất. Bởi nó ảnh hưởng đến niềm tin, đến uy tín, đến những giá trị tinh thần của cả một xã hội, thậm chí là một bộ máy chính quyền.
Bản án hơn 15 năm tù dành cho bị cáo phạm tội giết người và một mức phạt tiền gần trăm triệu đồng dành cho bị cáo để bồi thường tổn thất tinh thần, bồi thường chi phí mai táng, trợ cấp nuôi con cho bị hại… thế nhưng, thi hành bản án hình sự thì dễ, còn thi hành phần dân sự trong bản án hình sự "trầy da tróc vảy". Bởi, với bị cáo, nhất là bị cáo có thành phần nhân thân xấu, có nhiều tiền án, tiền sự, gia đình khó khăn thì việc vừa ở trong tù vừa phải bồi thường tiền cho gia đình bị hại là một chuyện gần như không tưởng. Cũng không phải bị cáo cố tình chây ì, nhưng bản thân kẻ phạm tội, phạm nhân không có tài sản riêng, lại ở trong tù hàng chục năm thì cơ sở để bồi thường thực chất là không có. Và bản án với phần tuyên bồi thường tiền chỉ như một liều thuốc tinh thần cho gia đình bị hại, bị hại tại thời điểm xét xử là chính. Trong vụ án này, người cha của bị hại ôm nỗi đau mất con, và khoản nợ nần cộng dồn của tất cả chi phí sau cái chết của con cũng không thể đòi được một đồng nào từ bị cáo, khi mà việc thi hành án không có điều kiện.
Theo một thống kê không chính thức từ các đợt giám sát thi hành án dân sự, phần khó thi hành án nhất, còn tồn đọng kéo dài nhất chính là phần thi hành án dân sự trong bản án hình sự. Đó là một tổn thất dai dẳng, kéo dài, thậm chí nó ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình người bị hại, nhưng ít được chú ý nhất. Họ đành gắng gượng vượt qua theo cách riêng, vì đã ở phần “hậu” của bản án, nên ít được chú ý. Song, những tổn thất thì lại rất thật, rất hiện hữu và rất đau xót.
Kim Phượng
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông