Câu chuyện tòa án

Đằng sau những bản án dân sự không lối thoát

Thứ Sáu, 31/05/2013 | 16:33

Cầm bản án trên tay mà chị A. uất nghẹn. Án dân sự, không chịu cảnh tù tội như kiểu án hình sự. Cũng không phải là bị cáo, bị hại nhưng những gì chị A. phải chịu đựng sau bản án cũng không hề nhỏ. Nhất là khi đây lại là bản án chung thẩm, có hiệu lực thi hành ngay. Con đường để được kháng nghị bản án, xem xét lại vụ việc cứ xa vời vợi…

Là nguyên đơn trong vụ kiện đòi lại đất, nhưng qua diễn biến của phiên tòa, qua phần xét hỏi, khi tòa đi vào nghị án, chị A. buồn bã đoán: “Kiểu hỏi chỉ nghiêng về một bên thế này, chắc là mình sẽ không thắng kiện nổi đâu”. Và cảm giác ấy đã đúng. Dẫu đã biết trước, nhưng nhìn cảnh chị gục đầu xuống bàn, thật là chua xót! Bên thắng kiện quay ra cười nói rôm rả, mời luật sư đi… ăn mừng. Cũng biết rằng, bất cứ một phiên tòa dân sự, nhất là có hai bên nguyên đơn và bị đơn, thì chắc chắn, sẽ có một bên được và một bên mất. Nhưng nhiều khi, với một số bản án, dù bên được hay mất, thì kết cuộc của những bản án ấy vẫn là… không có lối thoát.


Án không thể thi hành

Tình trạng án có hiệu lực nhưng không thể thi hành được xem là chuyện dài nhiều tập, nhưng ở đây, người viết chỉ muốn đề cập đến một phần trong những bản án không thể thi hành. Đó chính là lối thoát cho chính những người trong cuộc. Bởi cùng với không thi hành án là một chặng đường nữa, mà một bên thì cố gắng để được kháng nghị bản án, bên còn lại thì chạy vạy để được thi hành án. Ai cũng khổ, ai cũng xơ cờ. Nhưng khổ nhất vẫn là bên thua kiện.

Tại tòa soạn, hầu như tháng nào chúng tôi cũng tiếp xúc bạn đọc đến yêu cầu, nhờ can thiệp giúp đỡ với những bản án mà họ cho là oan ức, chưa đúng sự thật. Và không phải là không có, với những vụ án, những hồ sơ mà khi bắt tay vào nghiên cứu, chúng tôi cũng phải đi từ thắc mắc này đến thắc mắc khác. Bởi có bản án, chứng cứ rất yếu, thậm chí không có cơ sở pháp lý vững chắc, nhưng tòa vẫn tuyên án.

Như trường hợp ông H., bản án của gia đình ông, tính đến nay đã gần 15 năm, gia đình ông vẫn tiếp tục kêu oan, thi hành án thì không xong, bởi ngay cả những người làm công tác thi hành án cũng chùn tay.

Có lẽ nhiều thẩm phán, những người ngồi trên cao, chỉ xét xử và xét xử, mấy ai biết đằng sau đó, còn là những con người với những số phận. Mà chỉ cần một lần thôi, cầm lệch cán cân công lý (có khi không phải cố tình) thì cũng bao nhiêu phận người của một gia đình phải gánh chịu. Như trường hợp của bà Q., khi thua vụ kiện của gia đình (dù bà không phải là người trực tiếp đi kiện hay bị kiện) nhưng sau khi nghe gia đình cho biết thua kiện, bà ngất xỉu. Rồi bệnh tật kéo đến và bà Q. mất sau đó ít tháng. Người con trai bà Q. nói: “Không phải chúng tôi đổ thừa tại bản án mà mẹ tôi chết. Bà chết do bệnh. Nhưng rõ ràng, sốc vì thua kiện, buồn vì mất mặt với bà con xóm giềng mà mẹ tôi sinh bệnh rồi không gượng dậy nổi”.

Những vụ kiện xử đi xử lại

Một số ít những vụ án kéo dài vì lý do, án xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi bị thay đổi, bị hủy, lại phải xử lại sơ thẩm rồi phúc thẩm. Trường hợp như vụ án tranh chấp đất giữa hai bên bà N. và ông X., cứ có án sơ thẩm, phúc thẩm thì ít lâu lại có kháng nghị của tối cao và xét xử lại. Và điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại, đợt này thì bên ông X., thắng kiện, còn đợt sau thì bên bà N. thắng lại. Cứ thế kéo dài nhiều năm nay. Chẳng biết giá trị tài sản tranh chấp như thế nào, chứ công sức và tiền của đổ ra để theo đuổi vụ kiện này đã không còn tính được nữa.

Hay như vụ án của bà L., tuy đã có kháng nghị hủy án lần trước, xử sơ thẩm lại, nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn chưa thể lên lịch xét xử, khiến bà L. phải mỏi mòn chờ đợi. Trong khi bên kia vẫn tiếp tục có những hành động khiêu khích, lấn chiếm sang phần đất tranh chấp. Bà L. vừa phải khiếu nại chính quyền địa phương để đề nghị can thiệp ngưng việc lấn chiếm đất đai của bên kia, vừa phải chầu chực ở tòa án để bổ sung hồ sơ, thủ tục, coi chừng nào được xử lại. Xem ra, quyền lợi của đương sự giờ đã không còn, mà vô hình trung, cứ như phải đi xin, đi nhờ các cơ quan chấp hành pháp luật giúp đỡ.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.