Câu chuyện tòa án
Đối diện pháp luật - “nỗi đau” khó gọi tên
Bị cáo còn khá trẻ, phạm tội liên quan đến án ma túy. Bị cáo bị bắt trên đường đi mua ma túy về để dành sử dụng và phạm tội tàng trữ ma túy. Trước tòa, bị cáo chỉ xin mức án nhẹ để có thể về với mẹ vì mẹ bị cáo ở nhà không ai chăm sóc. Phía dưới, mẹ bị cáo liên tục lấy tay quệt nước mắt.
Chắc cũng lâu lắm rồi, người mẹ ấy mới được nghe con trai mình nói những lời biết suy nghĩ cho mẹ. Đối với xóm làng, nó là cái thằng lưu linh lưu địa, không ích gì. Nhưng đối với một người mẹ như bà, nó vẫn là thằng con trai mà bà hết mực thương yêu. Dẫu trước giờ, nói nặng nói nhẹ nó vẫn không nghe, toàn đi theo đám thanh niên hư hỏng chơi bời.
Hàng ngày, người đàn bà ấy phải bươn chải ở chợ, kiếm tiền về lo cho cuộc sống gia đình. Bị cáo là thằng con trai duy nhất trong nhà nên được cưng chìu, dù gia cảnh chẳng mấy dư dả. Đó cũng là tiền đề cho những hư hỏng của bị cáo sau này. Học hành chẳng tới đâu, bị cáo nghỉ học theo đám thanh niên đi quậy phá xóm làng, nhậu nhẹt, thâu đêm. Không ít lần bà mẹ ấy phải lên công an xã bảo lãnh con về. Rồi chuyện gì đến cũng đến, thằng quý tử ấy nghiện ma túy. Hàng xóm, người thân khuyên đưa nó đi trung tâm cai nghiện, nhưng bà không đành lòng. Cứ thế dấm dúi tiền cho nó, rồi động viên nó cai nghiện ở nhà. Bà kể: “Nó làm gì làm, chứ chiều là về nhà ăn cơm với tui. Chỉ có điều nông nổi quá, không biết suy nghĩ sâu xa cho mẹ”.
Có lẽ trong mắt những người mẹ, đứa con luôn cứ mãi còn bé bỏng và mãi cần được bảo bọc. Chính kiểu giáo dục con không tới nơi tới chốn như thế đã tạo ra một thanh niên thiếu trách nhiệm, nghiện hút như bị cáo. Giờ trước mức án tù giam, không còn được mẹ bảo bọc, bị cáo mới hối hận muộn màng. Tòa hỏi, rồi giờ có chịu đi cai nghiện không, bị cáo gật đầu lia lịa.
***
Ở một phiên tòa hình sự khác, nữ bị cáo lí nhí nói bản thân mình bị bệnh hiểm nghèo. Tiền điều trị bệnh rất nhiều trong khi đồng lương của một nhân viên không thể đủ chi phí. Bị cáo còn một đứa con thơ, phải xa mẹ từ nhỏ vì những lần bệnh tật của mẹ, vì bị cáo phải đi làm xa để lo cho cuộc sống của hai mẹ con.
Từ hoàn cảnh rất đặc biệt ấy, bị cáo mới phạm tội: Tội tham ô tài sản. Khi phát hiện ra sự việc, gia đình bị cáo đã khắc phục toàn bộ thiệt hại. Song, với tội phạm này, cấu thành tội phạm được quy định là hình thức, tức là vấn đề hậu quả vật chất không quyết định việc có phạm tội hay không, chỉ quyết định mức độ của hình phạt nhẹ hay nặng mà thôi.
Ở phiên tòa, những giọt nước mắt của bị cáo làm chạnh lòng cả Hội đồng xét xử và những người dự khán, trước một người phụ nữ mong manh mềm yếu như thế. Thêm nữa, hoàn cảnh của bị cáo đáng thương, vợ chồng ly tan, sự bấu víu dường như thêm mong manh.
Nhưng, luật là luật, bất di bất dịch. Hơn nữa, tội mà bị cáo phạm phải là hành vi mà Nhà nước đang quyết liệt đấu tranh phòng chống. Nên dù nhẹ dưới khung hình phạt, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự do việc phạm tội của mình gây ra. Nỗi đau mà bị cáo phải chịu đựng còn hiện hữu trên gương mặt của những người thân trong gia đình bị cáo. Không biết gọi bằng tên gì, nhưng nó có thật. Bởi dù như thế nào, công việc làm, cuộc sống và cả gia đình cũng đã bị xáo trộn dữ dội.
Kim Kim
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông