Câu chuyện tòa án
Được - mất
Ông bà xưa có câu “Vô phúc đáo tụng đình” để chỉ chuyện dính dáng đến pháp luật, tòa án là chuyện chẳng đặng đừng, không ai muốn... Lẩn khuất đâu đó ở chốn pháp đình, giữa những được và mất mới thấy câu nói của người xưa quả chẳng sai.
Được…
* Anh A. và chị B. ra tòa ly hôn sau 10 năm chung sống. Lý do ly hôn cũng hết sức đơn giản vì chị B. bỗng nhận ra, anh A. không tương xứng với mình. Trước đây, khi mới quen nhau, chị chỉ là cô giáo trường làng, còn anh là công nhân của một nhà máy. Nhưng 10 năm sau, khi chị đã là hiệu phó của một trường mẫu giáo nho nhỏ thì anh - sau nhiều thăng trầm của cuộc sống cũng đã đổi nghề, thành người chạy xe ôm. Vì thế trong suy nghĩ của chị, cả hai như đôi đũa lệch, một người là công chức Nhà nước, có địa vị hẳn hoi, còn người kia - chỉ là tầng lớp lao động bình thường. Khi tòa cho ly hôn, chị B. vui ra mặt vì những tháng ngày tự do của chị sắp trở thành hiện thực…
* Sau gần 2 năm với biết bao thủ tục, bao phiên xử từ hòa giải ở địa phương đến ra tòa, anh H. mới cầm được bản án giải quyết tranh chấp đất trên tay. Với nụ cười mãn nguyện trên môi, ngay sau phiên tòa xét xử phúc thẩm anh H. đã mời luật sư và những người ủng hộ, theo mình đến nhà hàng để ăn mừng chiến thắng.
“Cục đất vàng” mà anh H. giành được chính là căn nhà của cha mẹ dùng để ở từ xưa. Cha mẹ chết, di chúc không có nhưng không biết bằng cách nào, anh H. lại có được tờ giấy của người cha điểm chỉ đồng ý cho anh căn nhà. Còn hai người chị gái, vốn từ trước đến giờ vẫn sống chung với cha mẹ trong ngôi nhà ấy không biết sẽ trôi dạt về đâu, khi H. cũng đã dự tính bán đi khi có người hỏi mua với giá trị lên đến vài chục cây vàng.
… Và mất
* Điều kiện để anh A. đồng ý ly hôn là quyền nuôi con phải thuộc về anh. Còn chị B., vì muốn nhanh chóng được ly hôn nên đã chấp nhận yêu cầu của anh. Tòa thuận tình cho hai người ly hôn và anh A. được quyền nuôi đứa con duy nhất mới lên 9 tuổi vì cô bé không chịu ở với mẹ. Anh A. nói: “Cổ ở trường suốt ngày, đó là còn chưa nói những buổi tối đi tiệc tùng, tiếp khách. Con gái một tay tôi lo. Khi biết ba mẹ sẽ không còn sống chung nữa, dù chưa hiểu nhiều chuyện người lớn, nhưng nó cứ nằng nặc đòi ở với tôi”.
Không biết cuộc ly hôn này có giúp “đánh bóng” được chức hiệu phó của chị B., nhưng chắc gì chị đã “được” nhiều hơn “mất” với một gia đình tan nát và núm ruột thân yêu từ nay sẽ lìa xa…?!
* Tin anh H. thắng kiện lan nhanh trong xóm. Và để tỏ vẻ “hào phóng”, anh H. đã thuê cho hai chị gái một căn phòng trọ ở gần nhà với số tiền đủ để trả 6 tháng tiền thuê nhà, dọn nhà trống để treo biển bán nhà.
Trong gia đình H. chia ra hai phe và mâu thuẫn nhau dữ dội. Một bên theo H. vì được hứa hẹn sẽ chia chác tiền bạc khi bán được nhà, bên còn lại là những người quý trọng tình thâm hơn tiền bạc. Ba mẹ mất, đã không yêu thương, đùm bọc lẫn nhau mà anh em trong gia đình lại “nồi da xáo thịt” khiến hàng xóm không khỏi chê cười. Căn nhà mà H. đang rao bán, người mua sau vài lần đến coi nhà, hỏi thăm xóm giềng xung quanh… tự dưng đổi ý, không thèm mua vì sợ… xui xẻo lây.
Được và mất, biết đâu mà tính!
Kim Phượng
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh