Câu chuyện tòa án

Gây tai nạn giao thông: Không cố ý cũng vẫn mang tội

Thứ Sáu, 02/05/2014 | 16:35

Tôi đã từng dự nhiều phiên tòa xử các vụ án về tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả chết người. Những phiên tòa mà các bị cáo phạm tội, gây ra cái chết cho nạn nhân với lỗi không cố ý. Nhưng, dù không cố ý không có nghĩa là vô tội...

Nhiều người thường quan niệm, vì TNGT là chuyện chẳng đặng đừng, không ai mong muốn nên dù sao, cũng nhẹ nhàng hơn so với những tội ác rùng rợn kiểu giết người, cướp của. Thế nên, nhiều bị cáo khi ra tòa với án giao thông có vẻ mặt… tỉnh như ruồi, trong khi trên thực tế, hậu quả mà họ gây ra đôi khi khiến nhiều nạn nhân sống không bằng chết.

Trước khi bị TNGT, anh N.Q.Y là một công chức mẫn cán trong ngành Tư pháp. Y. có một gia đình nhỏ, một công việc đúng sở thích và một tiền đồ xán lạn. Thế nhưng, chẳng may tai nạn xảy ra. Từ một người năng động, giờ đây Y. chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do người nhà giúp đỡ. Gia đình chạy chữa khắp nơi, nhưng chỉ cứu được mạng sống của Y., không cứu được cuộc đời thật sự của anh. Chăm sóc chồng được một thời gian ngắn, người phụ nữ chỉ mới ngoài 20 tuổi đã bỏ về nhà cha mẹ ruột vì không đủ sức để trụ lại với người chồng giờ gần như là một cái xác không hồn. Vậy là Y. mất việc làm và coi như mất cả vợ. Gia đình Y. cũng kiệt quệ, nét mệt nhọc hằn lên gương mặt của từng thành viên trong gia đình và không biết họ còn chống chọi được bao lâu? Cánh cửa tương lai, cuộc đời Y. như khép chặt lại. Vậy thử hỏi, người khiến Y. và gia đình anh rơi vào hoàn cảnh thương tâm như hiện tại có đáng bị lên án (dù không cố ý)?!

Những người gây ra TNGT, thường chỉ biết về hoàn cảnh của nạn nhân, của gia đình nạn nhân cho đến khi ra tòa xét xử. Vì lúc đó, trách nhiệm của họ gắn với nghĩa vụ và cả mức hình phạt ở tòa. Nên nhiều người, để được giảm nhẹ hình phạt, thường bồi thường cho nạn nhân và gia đình, thậm chí thường xuyên thăm hỏi, lo lắng cho gia đình bị hại… Tuy nhiên, khi mọi việc xong xuôi, người gây tai nạn chấp hành án xong thì coi như chấm dứt mọi thứ có liên quan với người bị hại, mặc dù trên thực tế, nỗi đau cả về tinh thần và thể xác vẫn kéo dài. Thậm chí, ngay cả khi nạn nhân đã chết, thì gia đình họ cũng gánh chịu nỗi đau khôn nguôi.

Bà N.T.V - một người mẹ có con chết vì TNGT. Con chết, bà mang cùng lúc nhiều nỗi đau. Nỗi đau mất con, mất đi chỗ dựa lúc tuổi già bóng xế. Mất cháu (vì con dâu mang con về nhà cha mẹ ruột, rồi sau đó lấy chồng khác). Đứa cháu nội duy nhất cũng theo mẹ và người cha mới đi xa quê lập nghiệp. Mỗi lần muốn thăm cháu, bà phải chắc mót cả năm mới đủ tiền tàu xe đi đứng, nhưng đòi bắt cháu về nuôi thì ông bà đã già yếu, không đủ điều kiện. Nhắc tới con, tới cháu là bà V. cứ khóc ròng.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.