Câu chuyện tòa án
Giải trí bằng... ma túy và cái kết
Trong nhiều phiên tòa vừa được các tòa án đưa ra xét xử gần đây liên quan đến án ma túy, điều đọng lại phía sau đó vẫn đau đáu những nỗi niềm xen lẫn sự tiếc nuối.
Tại phiên tòa xét xử lưu động ở khuôn viên Trường đại học Bạc Liêu, tôi tình cờ bắt gặp một bé trai khoảng 9 tuổi, ngồi bó gối bên bóng mát của gốc cây bàng với một túi đồ ăn. Qua câu chuyện chóng vánh, tôi được biết cháu đi theo bà nội và cô đến đây để gặp cha, là bị cáo của vụ án tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy. Cô đơn, vẻ u buồn hiện rõ trên nét mặt, dù con không nói gì. Mẹ đã bỏ đi từ lâu, cháu ở với ông bà nội. Cháu nói, lâu rồi không gặp cha nên nhớ cha lắm. Lúc dẫn giải các bị cáo ra xe để chở về Trại tạm giam, cháu chạy ào tới ôm chặt cha. Hai cha con ôm nhau trong cái nắng gay gắt của buổi trưa mùa hè. Đúng ra không thể cho họ được gặp nhau, ôm nhau như vậy, nhưng có lẽ, các đồng chí công an cũng xót xa nên đã ngó lơ trong phút chốc, để con được gặp cha.
Bắt gặp tình cảnh đó nên tôi để tâm đến vụ án này và càng thảng thốt khi biết, bị cáo - cha của cháu bé bị tuyên án đến hơn chục năm tù vì liên quan đến tội Tổ chức sử dụng ma túy. Mà câu chuyện cũng hết sức đơn giản, chỉ là bạn bè đến nhà chơi, bị cáo lấy ma túy ra mời bạn cùng sử dụng. Và trong suy nghĩ của bị cáo, khi Tòa xét hỏi, vì sao lại tổ chức cho người khác sử dụng ma túy trong nhà mình, bị cáo chỉ nói đơn giản: “Bị cáo chỉ thấy bạn tới nhà chơi, mời bạn dùng ma túy cũng giống như mình mời trà, mời nước hay mời dùng cơm thôi”(?!). Chính suy nghĩ thiếu hiểu biết pháp luật này đã dẫn đến hậu quả là bản án tù như trên.
Phiên tòa xét xử lưu động vụ án ma túy tại TP. Bạc Liêu (tháng 6/2023). Ảnh: K.K
Tương tự, trong một diễn biến khác, phiên tòa xét xử các bị cáo tội Tàng trữ trái phép chất ma túy trong quán karaoke Hồ Nam (Phường 1, TP. Bạc Liêu), điều tôi chú ý nhiều ở vẻ ngoài của các bị cáo. Tất cả đều sạch sẽ, sáng sủa, những gương mặt toát lên vẻ đủ đầy của con nhà khá giả. Hoàn toàn không phải là dáng vẻ của những con nghiện kiểu nghèo khổ, hay nhìn vào đã thấy sợ. Với những dáng vẻ này, nếu họ tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài, không ai có thể biết là người nghiện ma túy.
Trong quá trình bắt quả tang hành vi phạm tội của các bị cáo, ngoài thu giữ số ma túy, dụng cụ sử dụng, cơ quan điều tra còn thu giữ nhiều điện thoại di động. Điều đáng nói là, những điện thoại di động mà các bị cáo Đặng Long Hồ, Lý Hoàng Hào, Nguyễn Năng Lộc, Võ Minh Chương, Lâm Yến Nhi và Âu Thị Như Ý sử dụng, đều là hàng hiệu cao cấp. Đơn cử như bị cáo Hồ có đến 3 điện thoại (1 chiếc iPhone 13 Promax, 1 chiếc iPhone 11 Promax và 1 điện thoại LG); Lý Hoàng Hào sử dụng iPhone 13 Pro; Âu Thị Như Ý dùng iPhone 14 Promax; Nguyễn Năng Lộc dùng iPhone 12; Võ Minh Chương xài iPhone 12; Lâm Yến Nhi iPhone 14 Promax. Mỗi chiếc điện thoại mà các bị cáo sử dụng đều có giá trị vài chục triệu đồng, chứng tỏ các bị cáo đều là những người có điều kiện. Tại phiên tòa, các bị cáo cũng cho rằng, mình không tàng trữ mà chỉ mua về sử dụng do bạn bè rủ rê trong lúc cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Trong vụ án này, có 2 cô gái chỉ sử dụng một ít nước ngọt có bỏ ma túy, có lẽ các bị cáo cũng không phải con nghiện, nhưng chơi chung với bạn nghiện, và muốn chứng tỏ sự sành điệu của mình nên đã gật đầu ưng thuận trước lời rủ cùng sử dụng ma túy.
Rõ ràng, ngay cả trong nhận thức, nhiều người trẻ chỉ nghĩ đơn giản, xem việc sử dụng ma túy như một thứ để giải trí mà hoàn toàn không lường trước được tác dụng đáng sợ của nó. Chưa nói về mặt sức khỏe, ảnh hưởng tâm thần, chỉ nói ở góc độ pháp luật, nhưng trường hợp của các bị cáo, thật sự là một cú sốc lớn cho cả các bị cáo và gia đình.
KIM TUẤN
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông