Câu chuyện tòa án
Hậu quả không lường
Có những cái chết mà người ta hay nói rằng, chết lãng xẹt; có những bị cáo lẽ ra đã không phải đứng trước vành móng ngựa… nếu trong những sự vụ đó ai cũng có thêm một chút sáng suốt. Tất cả đều không lường trước được hậu quả.
Vuông tôm nhà ông G.V.N (xã An Trạch A, huyện Đông Hải) thường xuyên bị mất trộm khiến gia đình ông rất bức xúc. Điều này cũng dễ hiểu, bởi bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ vào vuông tôm và người nuôi chỉ mong chờ đến ngày thu hoạch. Vậy mà chỉ lơ là một chút là bị kẻ khác “hớt tay trên”.
Đêm xảy ra vụ án mạng, ông N. bố trí các con, cháu gồm: G.V.P, G.V.Đ, G.V.D rình bắt trộm. Gần 2 giờ sáng, khi nghe ông N. tri hô có trộm, các con, cháu của ông đồng loạt truy đuổi và mỗi người đều cầm theo gậy gộc để phòng thân. Thế nhưng sau khoảng 20 phút truy tìm không gặp kẻ trộm, mọi người đều bỏ lên bờ, riêng P. không chịu lên, nhất quyết tìm cho bằng được. P. lội theo mương nước, vừa đi vừa dùng chân rà dưới đáy mương, khi đến nơi đặt lú thì chân chạm trúng người nằm dưới nước, ngay lập tức bị cáo dùng đầu nhọn của đoạn đước mang theo đâm thẳng theo hướng từ trên xuống 2 lần vào nơi người nằm dưới nước, sau đó P. bỏ lên bờ.
Về phần T.V.K, khi vào vuông tôm của ông N. và bị gia chủ bao vây tứ phía, đành nhảy xuống vuông tôm trốn cho đến khi có người phát hiện K. đã chết đuối dưới vuông. Bản kết luận giám định pháp y số 1343/C21B ngày 15/5/2009 của Phân viện khoa học hình sự tại TP. HCM xác định cơ chế hình thành dấu vết trên lưng T.V.K là do vật cứng có đầu nhọn tác động trực tiếp theo hướng từ trên xuống dưới gây ra. Điều này hoàn toàn phù hợp với đoạn cây đước có đầu nhọn mà bị cáo G.V.P đã sử dụng. P. bị xử phạt 6 năm tù.
Học xong lớp 12, gia đình có nghề làm vuông nên P. phụ tiếp cha mẹ nuôi tôm. Công việc lương thiện, lại là thanh niên trẻ, có lẽ bị cáo sẽ không thể ngờ rằng có ngày mình phải vướng vào vòng lao lý vì một sự việc mà ban đầu, bản thân P. không hề có lỗi. Nhiều người dự phiên tòa lúc đó đều bức xúc cho rằng, nạn nhân đang đêm hôm khuya khoắt, lẻn vô vuông của người khác chắc chắn là có hành động bất minh. Nếu không trộm cắp thì sao khi chủ vuông phát hiện, tri hô đã không đứng lại để giải thích mà lại trốn dưới vuông. Bắt kẻ gian đột nhập thì sao lại bị kết tội?!
Đúng là bắt kẻ gian thì không cho là có tội, nếu hành động đó không vượt quá tầm kiểm soát mà pháp luật cho phép. Nếu bị cáo P. khi phát hiện người khả nghi dưới vuông đã tri hô để mọi người đến cùng đưa người này lên giải quyết, thì mọi chuyện đã xảy ra theo chiều hướng khác. Còn “vô tư” đâm người ta một nhát, dù không phải là nhát chí mạng, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân tác động, làm hạn chế khả năng vận động khi nạn nhân đang ở dưới nước được xác định là nguyên nhân dẫn đến cái chết của K., từ đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo P. khi hiểu ra thì mọi sự đã không thể cứu vãn được nữa.
Kim Phượng
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh