Câu chuyện tòa án
Hậu quả từ sự nông nổi của người trẻ
Ở nhiều phiên tòa mà những thanh thiếu niên phải ra trước bục khai báo, tôi đã chứng kiến không biết bao lần các câu hỏi: “Vì sao bị cáo lại chém nạn nhân khi không có mâu thuẫn gì?”, “Bị cáo có thấy mình làm vậy là sai không?”, “Có thấy hối hận không?”… Và nhiều bị cáo với tuổi đời chỉ từ 15, 16, đầu cúi gằm xuống, không trả lời được, hoặc trả lời rất nhỏ: “Dạ, bị cáo biết mình sai rồi”.
Phiên tòa tại TAND TP. Bạc Liêu xét xử các bị cáo chuẩn bị hung khí chém nhau. Ảnh: K.P
Phiên tòa xét xử 9 bị cáo, gồm: Huỳnh Trần Bá Vinh, 23 tuổi, ngụ khóm 7, Phường 5; Đặng Trung Kiên, 20 tuổi, ngụ khóm 10, Phường 1; Nguyễn Dư Hoài, 17 tuổi, ngụ khóm 8, Phường 5; Trần Văn Đương, 22 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch; Trần Phước Lợi, 18 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông cùng thuộc TP. Bạc Liêu; các bị cáo Trương Tuấn Kiệt, 20 tuổi; Lâm Thanh Hên, 18 tuổi; Sơn Liên, 19 tuổi; Thạch Minh Cảnh, 24 tuổi (cùng ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử ở giai đoạn “chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm, hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, tôi đã thấy nhiều bị cáo đưa tay quệt nước mắt vì sợ tù tội, vì hối hận do hành động nông nổi của mình.
Nhất là khi vị thẩm phán - chủ tọa phiên tòa - hỏi xoáy vào hành động, vào suy nghĩ của các bị cáo. Vị thẩm phán hỏi một bị cáo vị thành niên rằng, bị cáo khi vác hung khí đi chém người ta có nghĩ tới cha mẹ của mình không? Lỡ như không chém được ai mà bị những kẻ khác chém bị thương tích thì ai lo cho bị cáo? Còn nếu hôm xảy ra vụ việc, công an không kịp thời ngăn chặn, bị cáo chém gây thương tích cho người khác thì có phải bây giờ phải gánh chịu mức hình phạt còn nặng nề hơn nữa hay không? Bị cáo có nghĩ đến chuyện chém người ta thì phải bị bắt, phải ở tù, rồi đền tiền cho người ta nữa không? Mà bị cáo vẫn còn sống chung với cha mẹ, ngửa tay xin tiền cha mẹ để đi chơi, đi uống cà phê, nếu xảy ra chuyện, có phải cha mẹ, người thân của các bị cáo phải gánh chịu hậu quả hay không…
Đưa tay quệt nước mắt, các bị cáo vị thành niên nói lí nhí rằng không kịp nghĩ tới những chuyện đó. Vì lúc đi chung với bạn bè thì hăng hái quá, không kịp suy nghĩ gì. Giờ được nghe tòa giải thích, bị cáo thấy hối hận!
Thật ra, rất nhiều phiên tòa, với những bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích, hầu hết đều là những nhóm thanh niên dùng hung khí chém nhau, đánh nhau, không có nhiều bị cáo là giang hồ cộm cán hay kẻ sát thủ máu lạnh. Đó chỉ là những người trẻ hăng máu, ham vui và chẳng biết suy nghĩ. Những người trẻ này chỉ thích theo chúng bạn, chơi theo nhóm, cùng thói thích làm anh hùng, nên nếu ai rủ đi đánh nhau là gật đầu trước rồi tính sau. Hậu quả đôi khi chỉ đến lúc tàn cuộc, phải đến khi công an đến dọn dẹp hiện trường, “bê” các cô cậu ấy về trụ sở thì mới tỉnh ra trong sự muộn màng. Hai chữ “giá như” được thốt ra trong rất nhiều phiên tòa trở nên lạc lõng và tiếc nuối.
KIM PHƯỢNG
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong