Câu chuyện tòa án
Hình phạt và sự trả giá
Phiên tòa không có nhiều tranh luận. Không có gì để bàn cãi bởi bị cáo ăm ắp sự hối hận, thể hiện mong muốn thiết tha của Trương Văn Nhủ là được sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Bị cáo cứ lặp đi lặp lại: hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, cha mẹ già bệnh tật mà 10 năm bỏ nhà đi trốn lệnh truy nã, bị cáo chẳng thể sớm hôm cận kề!
Tại tòa, vị thẩm phán chủ tọa hỏi bị cáo: “Sao đã bỏ trốn 10 năm, giờ bị cáo lại ra đầu thú? Nguyên nhân gì thúc đẩy bị cáo ra đầu thú?”. Tôi thấy bị cáo lặng người. Khi ngẩng đầu lên nhìn Hội đồng xét xử, bị cáo mới nói rõ to: “Vì thương nhớ quê nhà, thương cha mẹ. Vả lại, con của bị cáo đã đến tuổi đi học, không thể trốn mãi được. Bị cáo phải lo cho con mình có một gia đình đúng nghĩa”.
Cách đây 10 năm, Trương Văn Nhủ là một thanh niên trẻ, hành nghề chạy xe ôm trong xóm. Vì thường xuyên chở những đối tượng đi đánh bài, Nhủ bị những người này rủ rê vào xem sòng bài, xem riết thì ghiền nên cũng tham gia đánh. Thường thì bị cáo Nhủ chỉ đánh bạc khoảng hơn 100.000 đồng, lần nhiều nhất là 500.000 đồng, Nhủ khai là tiền đi mượn của người khác để chơi. Đến lần thứ 5 thì cả sòng bài bị công an bắt. Vì là dịp cận tết nên cơ quan điều tra cho về nhà, hẹn sau tết sẽ lên trình diện.
Sau tết, những người khác bị bắt, khởi tố, xét xử. Riêng Nhủ, do sợ tù tội nên bỏ trốn. Cơ quan điều tra truy nã gần 10 năm trời. Đến ngày 29 tết năm 2016, Nhủ về Công an huyện Phước Long đầu thú.
Với tội đánh bạc, mức án tù tại thời điểm 10 năm trước cho các bị cáo khác trong vụ án đó cũng chỉ vài ba năm. Còn với Nhủ, cái giá của sự bỏ trốn khỏi sự trừng phạt của pháp luật là thời gian dài đằng đẵng 10 năm trời. Nhủ không thể sống yên ổn, lương tâm cũng không thanh thản. Cái giá của sự bỏ trốn, trở thành tội phạm bị truy nã trên toàn quốc thật sự đáng sợ.
Những ngày tháng dài làm công việc nặng nhọc ở lò gạch của tỉnh Bình Dương, có lẽ, chỉ bị cáo Nhủ mới thấm thía hết cái gọi là “ngoài vòng pháp luật”. Chấp nhận bản án tù, dù sao, ở trong tù vẫn có thể gặp gỡ người thân, chấp hành tốt trong nhà trại lại được giảm án. Khi hết hạn tù, trở về nhà, vẫn có thể trở thành người công dân tốt, sống đàng hoàng.
Nhìn lại những người cùng đánh bài với mình năm xưa, giờ sau khi hết hạn tù, họ trở về cuộc sống thường nhật. Ai cũng đủ đầy vui vẻ. Nhủ càng thêm hối hận. Và đó cũng là sự trả giá quá đắt cho việc bỏ trốn.
Kim Phượng
Minh họa: Q.C
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024