Câu chuyện tòa án
Kẻ vào tù... ra khám
Lý lịch tư pháp của bị cáo: không nơi đăng ký thường trú; không chỗ ở nhất định; không nghề nghiệp; trình độ văn hóa: 2/12. Tiền án: 2. Ngày 10/11/1992 bị phạt 9 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 18/7/2001 bị phạt 12 năm tù về tội “cướp tài sản”. Ngày 8/1/2013 bị bắt tạm giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với “bề dày án tích” như vậy, bị cáo bị cho là có nhân thân rất xấu.
Ở tù nhiều hơn ở nhà
Nếu thực hiện phép tính cộng thì khoản thời gian mà bị cáo Triệu Đình Phùng bị tạm giam, bị xét xử và chấp hành hình phạt tù ở các trại giam nhiều hơn thời gian bị cáo được tự do. Từ năm 1992 - 2011, phần lớn thời gian của bị cáo Phùng gần như trôi qua trong nhà tù. Những hành vi vi phạm mà bị cáo mắc phải đều có liên quan đến tài sản, tiền bạc và với một thủ đoạn kiểu như lừa đảo, cướp giật - đương nhiên Triệu Đình Phùng được kết luận là một con người bất tính.
Bị cáo cũng có vợ và một đứa con gái, nhưng xem ra, bị cáo đã bị gia đình mình chối bỏ từ lâu. Mà ngay cả bản thân bị cáo cũng không thể oán trách họ, bởi chẳng người vợ nào có thể chịu đựng nổi một người chồng, người cha mà cuộc sống chỉ quẩn quanh “vào tù, ra khám”. Phiên tòa mới đây nhất vừa tuyên phạt bị cáo 3 năm 6 tháng tù về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào tháng 5/2013. Được biết, bị cáo cũng mới vừa ra tù trước đó 1 năm…
Trăn trở những phiên tòa
Hành vi phạm tội gần đây nhất của bị cáo thật đơn giản. Cuối năm 2012, trong những lần thăm viếng bà con họ hàng, bị cáo có xin đi nhờ xe gắn máy của một người. Vì nể tình là chỗ quen biết nên cô gái đã đồng ý cho bị cáo quá giang. Thế nhưng trên đường về nhà, tự dưng bị cáo lại nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã nói dối muốn mượn xe đi công việc một lúc. Sau khi mượn được xe, bị cáo chạy thẳng xuống Cà Mau bán lấy tiền tiêu xài. Và bị cáo bị bắt sau đó tại Cà Mau, bị tạm giam và xét xử.
Một vụ án mà ngay chính bản thân bị cáo cũng nhận thức được rằng, việc làm của mình trước sau gì cũng sẽ bị phát hiện, bị bắt. Và bị cáo đón nhận hình phạt một cách hết sức bình thản. Đây phải chăng là điều đáng lo ngại trong xã hội hiện nay?!
Nhiều thẩm phán đã có không ít trăn trở khi cứ xử đi xử lại một bị cáo đến quen mặt, mà đôi lúc, hành vi phạm tội của họ thật đơn giản. Thậm chí, có bị cáo trong lúc thật lòng nhất còn bộc bạch với thẩm phán xét xử, rằng bị cáo muốn được… ở tù, vì trong tù còn có cơm ăn, có công việc làm cho khuây khỏa. Ngược lại, nếu được tự do mà không có nhà ở, bị gia đình chối bỏ, người đời kỳ thị, không có việc làm… Nhiều khi đến cơm ăn cũng phải ngửa tay xin, thậm chí khi đói quá thì phải lại cướp giật thì hai chữ “tự do” liệu có ý nghĩa gì. Cuộc sống như thế thì chuyện nhiều bị cáo, nhiều phạm nhân sau khi ra tù không thể hoàn lương cũng là điều đáng để suy ngẫm. Và không ít bị cáo đã có nhiều tiền án sẵn sàng phạm tội để được quay trở lại nhà tù, tưởng như là chuyện không tưởng nhưng lại có thật.
Kim Phượng
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh